Với một số trẻ sơ sinh, cảm giác hồi hộp khi "há miệng ra, đưa ngón tay cái vào" đã có ngay từ vài tuần sau khi ra đời. Với các em bé khác, mút ngón tay cái đơn giản là một thói quen đã hình thành, hoàn thiện từ trước khi chúng được sinh ra - bằng chứng chính là những bức ảnh siêu âm đáng yêu đó.
Giai đoạn 2 – 3 tháng tuổi, trẻ phát triển vượt trội về xúc giác và bắt đầu bằng sự hứng thú với chính ngón tay của mình. Các bé thường cố gắng vươn tay của mình lên, khuya khoắng và ngắm nghía, tiếp đó đưa bàn tay vào miệng và bắt đầu mút, gặm… Khi làm được điều đó, các bé rất thỏa mãn và thích thú. Lúc trẻ ngậm mút tay sẽ kích thích não trẻ sản xuất ra chất endophin (chất giảm đau nội sinh), giúp cơ thể trẻ được thư giãn và tạo cho trẻ cảm giác thích thú.
Hiện tượng trẻ sơ sinh thích mút tay được giải thích rằng đó là cách để bé bắt đầu nhận thức và khám phá thế giới. Môi và ngón tay là hai bộ phận có xúc giác phát triển sớm và nhạy cảm nhất. Thông qua việc mút tay, bé cảm nhận được bàn tay của mình. Khi bé sơ sinh mút tay đó chính là dấu hiệu về sự phát triển trí lực của bé. Mút tay là một cách bé học tập và chơi, lúc đầu bé sẽ đưa cả bàn tay vào miệng rồi dần dần đưa 3 ngón tay, 2 ngón tay và cuối cùng khi não bộ phát triển đến mức độ cao hơn thì bé sẽ chỉ đưa 1 ngón tay vào miệng mà thôi.
Khi bé có thể đưa ngón tay cái vào miệng, chứng tỏ cơ quan điều khiển sự vận động và các cơ bắp của bé có thể phối hợp theo ý muốn. Hành động mút tay ở bé dưới 2 tuổi là dấu hiệu cho biết não bộ của bé đang phát triển và bắt đầu tìm tòi thế giới xung quanh.
TH (Nguoiduatin.vn)