Ráy tai hay còn được gọi là cerumen, đây là một lớp chất tiết mỏng tích tụ trên da ống tai ngoài. Cơ thể chúng ta tạo ra ráy tai từ các chất nhờn trong ống tai trộn lẫn với các tế bào đã chết đi, mồ hôi và bụi bẩn. Dưới tác động của lớp nhung mao trên bề mặt của tế bào tuyến, ráy tai sau khi hình thành sẽ di chuyển theo chiều từ trong ra ngoài, sau khi đến ống tai ngoài ráy tai sẽ có xu hướng tự khô rồi bong tróc ra ngoài. Lúc này, lớp ráy tai mới sẽ được hình thành ở ống tai để thay thế.
Ráy tai đóng vai trò giống như một “vệ sĩ” giúp ngăn chặn vi khuẩn, vi nấm tấn công vào các tổ chức bên trong của ống tai ngoài, giảm thiểu sự đe dọa đến thính giác của con người. Ngoài ra, ráy tai ở một mức độ vừa phải có chức năng “bôi trơn” giúp cho sóng âm thanh truyền đi dễ dàng, ngăn chặn côn trùng nhỏ, bụi bẩn... xâm nhập vào bên trong tai.
Ráy tai khô hay ráy tai ướt còn tùy thuộc vào hoạt động của tuyến ráy tai ở từng người khác nhau. Có người chỉ toàn là ráy tai khô tuy nhiên lại có người ráy tai luôn ẩm ướt, song phần lớn người Việt Nam chúng ta đều là ráy tai khô. Cho dù ở trạng thái khô hay ướt thì ráy tai đều giữ vai trò bảo vệ ống tai.
Mặt khác, theo các nhà nghiên cứu thống kê cho thấy, ráy tai ướt hoặc khô có thể do gen di truyền quyết định. Trường hợp ráy tai khô thường xuất hiện ở 95% người sống ở khu vực Châu Á, Thái Bình Dương và châu Mỹ. Còn ráy tai ướt lại chiếm ưu thế hơn hẳn ở những người châu Âu lẫn châu Phi. Điều này được giải thích là do sự tiến hóa di truyền của loài người để thích nghi với những miền khí hậu khác nhau.
TH (Nguoiduatin.vn)