Vì sao có những người dễ đỏ mặt khi uống rượu bia?

15/03/2020 08:00:48

Trong một cuộc nhậu, tại sao lại có những người chỉ sau vài ly bia, chén rượu đầu tiên mặt đã đỏ ửng và có người lại không gặp hiện tượng này?

Có nhiều người, khi uống rượu bia là mặt mũi đỏ gay gắt, như... gà chọi dù chỉ uống chỉ 1-2 ly. Vì sao lại như vậy?

Thuật ngữ được dùng cho tình trạng này là phản ứng xả cồn. Khi bạn tiêu thụ nhiều thức uống có cồn như rượu bia, nồng độ cồn cao trong máu sẽ làm giãn nở các mạch máu nhỏ trong khắp cơ thể. Khi đó, lượng máu chảy qua những mạch máu này tăng lên, kết hợp với sự giãn mạch khiến chúng trở nên dễ nhìn thấy.

 Đặc biệt, tròng trắng mắt có màu sắc tương phản với sắc đỏ của máu, nên bạn sẽ dễ dàng thấy tròng mắt chuyển sang màu đỏ ngầu. Bạn càng uống nhiều bia rượu, những mạch máu này càng đỏ và dễ thấy. Hiện tượng đỏ mặt khi uống rượu còn đi kèm với một số triệu chứng phụ như: chóng mặt, buồn nôn, đau đầu, tim đập nhanh.

Vì sao có những người dễ đỏ mặt khi uống rượu bia?

Trên thực tế, rượu bia được cơ thể xem là chất độc. Rượu đi vào cơ thể, đến gan và được chuyển hóa thành acetaldehyde. Có điều, đây lại là một chất độc, khi tích tụ trong cơ thể sẽ gây phản ứng nóng ừng, đỏ mặt.

 Thông thường khi acetaldehyde xuất hiện, cơ thể phải nhanh chóng xử lý, chuyển đổi nó thành một dạng an toàn hơn là acetate (thành phần cơ bản của giấm). Tuy nhiên, những người mắc hội chứng đỏ mặt lại thiếu đi một enzyme có tên ALDH2. Nó khiến cơ thể họ chuyển cồn thành acetaldehyde nhanh hơn, nhưng lại tốn nhiều thời gian để acetaldehyde phân giải thành acetate. Kết quả, chỉ cần một lượng cồn nhỏ thôi cũng đủ để những người mắc hội chứng này đỏ mặt.

 Nếu acetaldehyde tích tụ trong máu sẽ khiến cơ thể nóng bừng, đỏ mặt, nôn mửa và tim đập nhanh ở một số người. Ngoài ra, acetaldehyde cũng là thủ phạm gây ra những cơn nhức đầu vào buổi sáng sau mỗi trận “chè chén”.

TH (Nguoiduatin.vn)