Vết bầm tím xuất hiện trên cơ thể sau khi va đập hoặc té ngã và là kết quả của các mạch máu bị vỡ dưới da. Khi những mạch máu nhỏ này rách, một lượng máu thấm ra và tích tụ trong các mô; nó khá đa dạng và kích thước phong phú tùy thuộc vào tính chất và mức độ nghiêm trọng của tác động gây ra chúng. Các vết bầm tím biểu hiện là một vùng màu đỏ tía hoặc hơi xanh tím trên da. Một vết bầm tím nhỏ phải mất 2 - 4 tuần để biến mất hoàn toàn và vết bầm tím ở phần dưới của cơ thể mất nhiều thời gian hơn để biến mất. Hầu hết các vết bầm tím tự lành.
Nặng hơn là khối máu tụ, hình thành do một lượng máu lớn hơn thoát ra từ mạch máu bị vỡ và thường kèm với sưng, đau. Đây có thể là hậu quả của chấn thương hoặc phẫu thuật. Đôi khi một mạch máu vỡ tự phát dẫn đến tụ máu.
Sau khi mô mềm bị va chạm mạnh, vị trí tổn thương sẽ bắt đầu đỏ lên, rồi trở nên xanh đen và tím. Sau một tuần, những vết màu xanh lá đầu tiên bắt đầu xuất hiện, tiếp đến là những vết màu vàng và màu nâu rồi dần biến mất.
Những biểu hiện này là kết quả của một loạt những phản ứng hóa học phức tạp. Màu đỏ khởi đầu là kết quả của máu tươi giàu oxygen bị rỉ ra từ những mao mạch bị nghiền vỡ. Sau khoảng 48 giờ, máu bị ứ đọng này không thể giữ được oxygen nữa và khiến nó trở nên sẫm màu hơn, vùng bị thương thì trở thành tím, xanh dương hay thậm chí là đen nếu lượng máu ứ đọng đủ lớn. Trong vài ngày tiếp theo, khi cơ thể bắt đầu phá vỡ các tế bào máu ứ đọng, màu này lại một lần nữa chuyển đổi, trở thành màu xanh lá hay vàng. Sau đó gần một tuần, việc phá vỡ gần như đã hoàn thành và vết bầm bắt đầu mờ đi.
TH (Nguoiduatin.vn)