Vì sao bẻ tay lại kêu 'răng rắc'?

11/09/2020 13:30:09

Bạn đã từng bẻ tay hoặc nhìn thấy người khác bẻ tay phát ra tiếng kêu răng rắc bao giờ chưa? Âm thanh đó liệu có phải do xương va chạm lẫn nhau không nhỉ?

Nguyên nhân âm thanh răng rắc phát ra khi kéo căng khớp chính là vì trong khớp có bong bóng. Các khớp trong ngón tay của bạn là những khớp dễ bẻ nhất, tuy nhiên nhiều người cũng hay bẻ các khớp đốt sống cổ, khớp lưng, cả các khớp hông, cổ tay, vai và các khớp khác.

Những khớp này được gọi là khớp hoạt dịch, nó là một loại chất lỏng nhớt giữa các xương gần giống như lòng trắng trứng có nhiệm vụ chủ yếu là làm chất đệm cho xương giúp giảm ma sát khi hoạt động. Chất lỏng hoạt dịch chứa thực bào chuyên đi tiêu hủy mảnh vỡ của xương và sụn ở các khớp.

Giống như các chất lỏng khác trong cơ thể nó chứa rất nhiều phân tử khí hòa tan. Những người hay bẻ khớp biết rằng để có được tiếng “bốp” thì khớp của bạn phải được kéo căng hơn mức bình thường bằng cách bẻ hoặc kéo ngón tay.

Vì sao bẻ tay lại kêu 'răng rắc'?

 

Khi bạn làm vậy, các xương trở nên xa nhau hơn. Khoảng trống giữa các xương lớn dần lên trong khi lượng chất lỏng hoạt dịch thì vẫn giữ nguyên. Điều này tạo nên vùng áp suất thấp khiến các phân tử khí hòa tan kết lại thành các bong bóng khí trong chất lỏng hoạt dịch, tương tự như các bong bóng khí khi bạn mở nắp chai nước có ga.

Nhưng những bong bóng này không tồn tại lâu. Chất lỏng xung quanh sẽ tạo áp lực lên các bong bóng cho đến khi nó vỡ tung và “bốp”. Khí của bong bóng sẽ phân bố khắp các khoang hoạt dịch và sẽ hòa tan chậm rãi vào lại chất lỏng sau khoảng 20 phút và đó là lí do vì sao mất một lúc sau bạn mới có thể nghe lại tiếng “bốp” từ khớp vừa bị bẻ.

Nhiều người nói bẻ khớp là nguyên nhân dẫn đến chứng viêm khớp. Bác sĩ Donald Unger cũng nghe được điều này. Vì thế, để chứng minh rằng lời cảnh báo của mẹ ông là sai Donald đã bẻ các khớp ở bàn tay trái của mình liên tục trong 50 năm, còn bàn tay phải thì ông để nguyên. Sau 36,500 lần bẻ khớp, cả hai tay đều không bị viêm khớp.

Hành động hết mình vì khoa học này của bác sĩ Uger đã được trao tặng giải Nobel Ig - một giải thưởng nhại lại của giải Nobel để công nhận những phát kiến lập dị nhưng hấp dẫn. Unger mong muốn thành quả nghiên cứu của ông được phổ biến rộng rãi đến phụ huynh.

Tuy nhiên cũng nhiều nghiên cứu cho thấy bẻ khớp tay thường xuyên làm tổn thương các mô làm khớp ngón tay bạn to lên trông thấy. Đồng thời, hệ lụy kéo theo là nó sẽ làm giảm sức cầm nắm của bản thân người bẻ khớp.

Dung (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật