Từ lâu, hoa sữa dường như đã trở thành một biểu tượng, một nét đẹp rất riêng của Hà Nội mà hiếm nơi nào có được. Vào mùa hoa nở, dẫu ai có vô tình đến mấy cũng phải xốn xang bởi mùi hương quyến rũ, ghi vào ký ức kỷ niệm về những đêm đông thật khó phai mờ.
Hoa sữa ban ngày chỉ thoang thoảng, buổi tối thơm dịu nhưng càng về đêm hương hoa càng thêm nồng nàn. Vì sao lại như vậy?
Rất nhiều cây nhờ côn trùng để truyền phấn, ban ngày chúng sẽ nở hoa toả hương rực rỡ thu hút sự chú ý của những “sứ giả” này. Còn có những loài hoa lại nhờ những chú bướm truyền phấn vào ban đêm. Trong đêm tối, nhờ có mùi hương cực mạnh mới có thể quyến rũ “các vị khách” này ghé thăm, chúng sẽ truyền phấn cho hoa và mang hạt phấn đi xa thụ phấn ở nơi khác. Tập tính đó của hoa là một sự thích nghi đối với môi trường tự nhiên.
Ngoài ra, nhiệt độ, độ ẩm cũng quyết định đến thời điểm tỏa hương của hoa. Ánh nắng Mặt Trời thường làm cho hoa tỏa hương mạnh hơn do chất dầu thơm gặp phải nhiệt độ cao dễ bay hơi, lúc này bạn ngửi hoa sẽ thấy rất thơm. Tuy nhiên, một số loài hoa ban ngày rất ít nở, mùi hương cũng rất nhạt, nhưng đến tối mặc dù không có ánh nắng Mặt Trời nhưng hoa vẫn nồng hương.
Tại sao lại như vậy? Đó là do lỗ khí trên cánh của hoa có một đặc điểm là khi độ ẩm của không khí lớn nó sẽ nở to ra, lỗ khí càng to thì chất dầu thơm bay hơi càng nhiều. Ban đêm, không khí ẩm hơn nhiều so với ban ngày, cho nên lỗ khí nở mạnh, mùi hương cũng vì thế mà càng tỏa ra ngạt ngào hơn.
Đêm càng về khuya, mùi hoa càng đậm. Những hôm trời mưa, độ ẩm không khí cũng cao hơn lúc bình thường, khi đó hoa cũng rất thơm.
Ngoài hoa sữa, một số loài hoa khác cũng tỏa hương về đêm như hoa huệ, dạ hương, thiết mộc lan...
TH (Nguoiduatin.vn)