Tuy nhiên nếu bàn về khía cạnh khoa học, chúng chỉ là những sóng âm được truyền đến tai, vậy mà có thể tạo ra các cảm xúc cực kỳ đa dạng. Nghiên cứu của trường đại học Nam California (USC) đã thử vén màn bí mật này và đặt ra câu hỏi: Vì sao âm nhạc có thể khơi dậy cảm xúc?
Khi nghe những bài nhạc sôi động, hầu hết người nghe đều tự nhiên có cảm giác hứng khởi, tim đập nhanh hơn và tinh thần cũng tươi tỉnh hơn. Trong khi đó nếu nghe những bài nhạc chậm rãi, mi mắt sẽ dễ dàng khép lại.
Các phản ứng này diễn ra ở một vùng của não được đặt tên là Heschl’s gyrus, được các nhà khoa học mô tả là “sáng lên như một cây thông Noel” khi ta nghe nhạc. Nghiên cứu mới của trường Đại học USC thì chuyên sâu hơn vào chính xác điều gì đã làm cho vùng não này “sáng lên”. Nghiên cứu chú trọng vào 3 khía cạnh chính của trải nghiệm nghe nhạc gồm: phản ứng thần kinh, các phản ứng sinh lý và cảm xúc khi nghe nhạc, dựa trên 74 biến thể nhạc khác nhau về giai điệu, âm sắc và âm lượng.
Nghiên cứu cho thấy các thay đổi diễn ra rất đa dạng, trong đó thay đổi giai điệu và âm sắc làm vùng não Heschl’s gyrus phản ứng nhiều nhất. Điều này có nghĩa là các phản ứng sẽ khác biệt dựa trên sự biến đổi trong nhịp và lực đánh của giai điệu đang được nghe. Nếu một bản nhạc chỉ có âm lượng lớn mà không thay đổi gì nhiều về nhịp đánh hay tiết tấu, các phản ứng của não cũng sẽ không biến đổi quá nhiều.
Các kiểu âm thanh khác nhau cũng làm não phản ứng đa dạng hơn, điển hình là khi chuyển từ nhạc pop, rock sang nhạc giao hưởng. Có thể thấy rằng khi não “nghe” được những âm thanh lạ, như các tiếng nhạc cụ mới, hoặc các kiểu chơi nhạc độc đáo, nó cũng sẽ có phản ứng mạnh mẽ hơn bình thường.
Các phản ứng của não còn tạo ra những thay đổi sinh lý cơ thể như hiện tượng ra mồ hôi, hoặc “sởn da gà” khi nghe một số nhạc cụ nào đó cất lên. Bộ não hầu như cũng phản ứng với tất cả các tiếng nhạc, từ những bài nhạc bạn nghe hàng ngày đến những ca khúc bạn chưa nghe bao giờ. Những tác phẩm quen thuộc cũng khiến não phản ứng mạnh hơn, ví dụ như khi nghe một bài hát mà bạn cực kỳ thích đến mức thuộc cả giai điệu, lời hát và biết khi nào sẽ là cao trào chẳng hạn.
40 tình nguyện viên tham gia thử nghiệm nghe một chuỗi những ca khúc mà họ chưa nghe bao giờ, kể cả nhạc vui vẻ lẫn nhạc buồn, cùng lúc được theo dõi phản ứng não bằng máy MRI. 60 tình nguyện viên khác cũng được nghe nhạc và yêu cầu đánh giá cảm xúc của những bài hát họ nghe (trên thang điểm từ 1 - 10), đồng thời cũng được theo dõi các phản ứng tim mạch và da. Thông tin thu được sẽ được AI xử lý.
Kết quả của nghiên cứu hiện chưa được công bố, tuy nhiên các nhà khoa học kỳ vọng rằng những thông tin thu thập được sẽ giúp họ hiểu hơn về cái cách mà âm nhạc tạo ra ảnh hưởng đến cảm xúc của con người, từ đó có thể đưa ra những biện pháp trị liệu bằng âm nhạc. Đây cũng là tiền đề cho những nghiên cứu thần kinh trong tương lai.
Dung (Nguoiduatin.vn)