Lăng mộ Tần Thủy Hoàng nằm ở phía bắc núi Lý Sơn, thuộc địa phận tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc), cách Tây An 50 km về phía đông. Cho đến nay, lăng mộ của ông vua được mệnh danh là người tàn bạo nhất trong lịch sử Trung Quốc vẫn còn nhiều ẩn số với hậu thế.
Vào năm 246 trước công nguyên, tức năm 13 tuổi khi vừa lên ngôi, Tần Thủy Hoàng bắt đầu ra lệnh xây dựng lăng mộ. Công trình xây dựng trong tổng thời gian 38 năm, với nguồn nhân lực khổng lồ lên tới 720,000 người. Nhằm giữ bí mật về thông tin bên trong lăng mộ cũng như khối lượng của cải cất giấu, vua Tần đã tiêu diệt hết những người tham gia xây dựng.
Bí mật lăng mộ của Tần Thủy Hoàng được giữ kín trong suốt nhiều năm. Thế nhưng, vào 100 năm sau khi Tần Thủy Hoàng băng hà, sử gia Tư Mã Thiên lại biết được một số bí mật về nơi an nghỉ của vị vua nổi tiếng nhà Tần.
Sử ký Tư Mã Thiên đã miêu tả khá chi tiết quá trình xây dựng lăng mộ của Tần Vương. Ông viết: "Khi Tần Thủy Hoàng lên ngôi đã chọn núi Ly Sơn để xây lăng mộ. Sau khi thống nhất thiên hạ, 700.000 lượt người đào ba đường suối để làm lối dẫn nguyên vật liệu, đồ dùng vào bên trong...".
Nhiều người đặt ra câu hỏi, không hiểu sao Tư Mã Thiên có thể biết được bí mật mà Tần Thủy Hoàng đã dùng mọi biện pháp để "bịt miệng"?
Lý giải về điều này, nhiều chuyên gia cho rằng, sở dĩ Tư Mã Thiên biết được nhiều thông tin về lăng mộ của Tần Thủy Hoàng xuất phát từ việc ông xuất thân trong gia đình quan lại có truyền thống học hành.
Đặc biệt, Tư Mã Thiên lại là người ham học hỏi, thích đọc sách. Có thể ông đã được đọc qua sách vở thời nhà Tần dù Tần Thủy Hoàng từng hạ lệnh đốt sách trong thiên hạ.
Một công trình thế kỷ như lăng mộ đế vương (so với ngày nay vẫn là rất lớn) thì đương nhiên phải có sự tính toán kỹ lưỡng trong thiết kế và thi công. Những tính toán đó sẽ được ghi lại trong nhiều tài liệu và lưu giữ trong cung. Về sau, khi nhà Tần suy tàn, Tiêu Hà – quân sư phò tá Lưu Bang đã thu thập được những tài liệu về lăng mộ của vua Tần. Và là người con xuất thân trong gia đình quan lại nên việc ông được tiếp xúc với sách vở thời trước để lại không phải là khó khăn.
Một lý giải khác có thể là Tư Mã Thiên đã dựa vào những câu chuyện dân gian để tìm hiểu lịch sử.
Quá trình xây dựng lăng mộ bí mật của Tần Thủy Hoàng kéo dài hàng chục năm, huy động hàng trăm nghìn người, làm việc trong một môi trường kham khổ, hà khắc, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy có thể nhiều người đã tìm cách bỏ trốn, sau đó ra ngoài thuật lại toàn bộ quá trình xây dựng lăng mộ.
Sau khi lăng mộ xây xong, dù đã "chôn sống giệt khẩu" hết tất cả những người tham gia xây dựng thì nhà Tần vẫn cần phải có người chăm sóc, cải tạo lăng mộ này. Nên việc giữ bí mật tuyệt đối là bất khả thi.
Hiền Trần (SHTT)