Khi một sinh vật sống chết đi, vi khuẩn sẽ vào cuộc khiến cơ thể phân huỷ một cách nhanh chóng. Nội tạng sẽ phân huỷ trước tiên, tạo ra khí tích tụ trong cơ thể - thường là methane và các khí gốc nitrogen, khiến cơ thể rơi vào trạng thái "trương phềnh". Khí này sẽ nhanh chóng thoát ra ngoài do làn da bị phân huỷ.
Nhưng đó là hiện tượng ở người và các động vật kích thước nhỏ, còn cá voi với trọng lượng 50-170 tấn thì xác của chúng trở thành một quả bom nổ chậm. Da cá voi rất dày và có tính đàn hồi cực mạnh, có thể chịu được áp suất cực lớn, lại cực khó bị phân hủy. Do đó khí có thể tích tụ với khối lượng khổng lồ. Đó là lý do vì sao xác cá voi có thể phát nổ.
Tuy nhiên, hiện tượng 'phát nổ' thường xảy ra khi có tác động của con người. Chẳng hạn như trèo lên xác cá voi chụp ảnh, lấy dao cắt chút da, thịt, hay răng.... Xác cá voi chỉ cần một vết cắt, cơ thể chúng sẽ phát nổ giống như bóng bay.
Quá trình phân huỷ xác cá voi có thể lên tới... 30 năm, vì thế việc để lại xác trương phềnh trên bãi biển gần khu dân cư sẽ gây nhiều phiến toái và khiến môi trường ô nhiễm. Vì thế, nếu thấy xác cá voi trôi dạt vào bờ, người ta sẽ lập tức tổ chức chôn cất.
TH (Nguoiduatin.vn)