Trên thực tế, cho đến bây giờ con người cũng mới chỉ ứng dụng các laser có màu cơ bản gồm đỏ, xanh lá, xanh dương và vàng.
Sự khác nhau giữa các màu của laser nằm ở độ dài bước sóng, trong đó laser đỏ có bước sóng dài nhất (khoảng 630 – 680 nm). Laser xanh lục có bước sóng ngắn hơn (532 nm), nhưng lại sáng gấp từ 10 – 50 lần laser đỏ và có thể chiếu xa đến 4,8km nên thường được sử dụng tại các công trường. Bước sóng của laser xanh dương là 445 nm, cho phép ánh sáng có độ tập trung mạnh hơn, nghĩa là cho khả năng đốt cháy cao hơn laser xanh lục.
Vậy tại sao chúng ta thường chỉ thấy loại laser màu đỏ? Câu trả lời là laser màu đỏ dễ tạo ra nhất.
Để có laser đỏ, người ta chỉ cần dùng một đi-ốt bán dẫn tiêu chuẩn là có thể phát ra laser có bước sóng khoảng 800 nm. Nhưng muốn tạo ra laser lục, người ta phải chiếu bước sóng 800nm kia lên một tinh thể nê-ô-đim để chuyển thành chùm tia hồng ngoại có bước sóng vào khoảng hơn 1000 nm. Cuối cùng, chùm tia này lại được chiếu qua một loại tinh thể đặc biệt để biến thành laser xanh với bước sóng ngắn hơn.
Rõ ràng quy trình và cả nguyên vật liệu để tạo ra laser đỏ là đơn giản hơn rất nhiều so với laser các màu khác. Vậy nên laser đỏ chính là lựa chọn hợp lí nhất về mặt kinh tế để sản xuất với lượng lớn và dùng cho những thiết bị trong đời sống thường nhật của chúng ta.
Tuy nhiên, hiện nay laser xanh lục được ưa chuộng và đang dần thay thế laser đỏ. Lý do là bởi laser xanh lục có khả năng chiếu sáng mạnh hơn do mắt của con người nhạy cảm nhất với bước sóng màu này.
TH (Nguoiduatin.vn)