Một số giả thiết cho rằng người ta thường ngáp khi cơ thể buồn chán và mệt mỏi, chúng ta thường có nhịp thở nhẹ hơn, dễ dẫn đến tình trạng thiếu hụt oxy cho các hoạt động trao đổi chất và duy trì nhận thức, ngáp giải quyết vấn đề này giúp ta hấp thụ nhiều oxy hơn vào máu đồng thời thải bớt khí cacbonic ra ngoài, như một nhịp thở lớn hơn. Nhưng một số nghiên cứu khác lại cho rằng việc hấp thụ nhiều cacbonic hay oxy cũng không gây ngáp, họ giải thích rằng đây là một hoạt động “vươn vai”, căng giãn các mô và tế bào ở phổi chính vì vậy mà đôi khi chúng ta vươn vai cơ thể, căng cơ bắp và khớp chúng ta sẽ ngáp, như một cách giúp tăng cường nhịp tim và trở nên tỉnh táo hơn.
Một số học giả khác cho rằng đây là một hoạt động phân phối lại chất, giúp phổi giãn nở bình thường, theo giả thuyết này nếu ta không ngáp thường xuyên thì việc hít thở sâu trở nên khó khăn vì phổi sẽ bị giảm dung tích sống. Một điều thú vị khác mà cũng chưa có lời giải thích nào đó là việc ngáp lây.
Điều kỳ lạ là trong suốt quá trình ngáp tùy dài hay ngắn, chúng ta bắt đầu cảm thấy tĩnh lặng hơn, những âm thanh bên ngoài hầu như nhỏ lại hoặc không còn nghe thấy được nữa. Lý do là những hoạt động thú vị bên trong cấu trúc của tai, hãy cùng tìm hiểu cấu trúc của tai trước khi giải thích vấn đề này. Tai người có cấu trúc gồm 3 phần: Tai ngoài, tai giữa và tai trong
- Tai ngoài: gồm vành tai và ống tai có vai trò tiếp nhận âm thanh
- Tai giữa: gồm màng nhĩ, hòm nhĩ, vòi nhĩ (vòi Eustache) ,và các xương con bao gồm xương búa, xương đe, và xương bàn đạp
- Tai trong: gồm ốc tai đảm nhiệm chức năng nghe. Tiền đình và các ống bán khuyên đảm nhiệm chức năng thăng bằng.
Như đã biết, âm thanh là một dạng rung động có tần số, chúng ta nghe được là nhờ có sự nhận âm ở tai ngoài, vành tai và đi vào ống tai đến màng nhĩ, màng nhĩ sẽ rung lên một tần số tương tự như tần số âm đa nhận được lúc này 3 xương nhỏ hoạt động như một bộ dẫn truyền xung đến ốc tai và các lông cũng rung theo tần số đó theo dây thần kinh thính giác và đến não.
Tại màng nhĩ, có một bộ phận là vòi nhĩ là bộ phận kết nối giữa tai giữa với mặt sau của khoang mũi mà một số hoạt động như nhai, nuốt, và ngáp làm cho vòi nhĩ mở cho không khí đi vào hoặc thoát ra khỏi tai giữa (đó là vì sao khi ù tai ta thường nuốt nước bọt). Hay nói cách khác vòi nhĩ giúp cân bằng áp suất không khí trong tai giữa.
Sự cân bằng áp suất ở tai giữa chính là nguyên nhân, khi ngáp, không khí chưa kịp cân bằng áp suất ở tai giữa làm cho việc truyền rung động hoạt động không tốt nên những âm thanh bên ngoài không được truyền tới dây thần kinh thính giác như bình thường lúc ngáp. Áp suất không khí trước và sau màng nhĩ không cân bằng khiến màng nhĩ bị bất động gây ra tình trạng điếc tạm thời khi ngáp. Ngoài ra, các cơ của xương vòm nhĩ và xương bàn đạp là 2 bộ phận chính để điều chỉnh âm lượng ra vào tai. Hoạt động này có thể mô tả như việc ta bước ra khỏi một căn phòng tối, sẽ có xu hướng nhắm mắt vì lúc này võng mạc đang cố điều chỉnh cân bằng lượng ánh sáng tiếp xúc, cơ vòm nhĩ và cơ bàn đạp cũng vậy, 2 bộ phận này thắt chặt lại nhằm điều chỉnh sự mất cân bằng về âm lượng khi ngáp, cũng là một lý giải cho tình trạng điếc tạm thời khi ngáp.
Đó là một trong các cách lý giải khoa học cho hiện tượng giảm âm lượng hoặc tắt khi ngáp. Bạn đã ngáp bao nhiêu lần sau khi đọc xong bài viết này. Là một cơ chế tự nhiên và cũng khá quan trọng cho các hoạt động của cơ thể mặc dù đôi khi có hơi xấu hổ. Tuy nhiên, điều muốn đề cập ở đây là chúng ta nên tập thói quen hít thở sâu để giảm tình trạng ngáp bất chợt cũng như cung cấp đầy đủ oxy cho các hoạt động của cơ thể luôn tươi mới hoặc đôi khi là không muốn bị điếc tạm thời.
Dung (Nguoiduatin.vn)