Tại sao loài người không sử dụng cùng một thứ ngôn ngữ?

25/11/2020 08:00:14

Điều gì đã khiến con người trên thế giới có nhiều ngôn ngữ khác nhau?

Có lẽ lúc khởi đầu – tất nhiên là thời rất rất xa xưa – con người nói cùng một thứ ngôn ngữ. Thế rồi, với thời gian, ngữ tộc ấy hoặc nhiều ngữ tộc khác lan rộng ra và thay đổi.

Lúc đầu một nhóm người hay vài nhóm người – sống rải rác – nói cùng một ngữ tộc. Lần lần, nhóm người ấy tăng dân số, vùng đất họ đang sống không cung cấp đủ lương thực, do đó, họ tách ra thành từng nhóm nhỏ và tha phương cầu thực.

Khi nhóm này đến định cư ở một vùng đất mới, họ vẫn sử dụng ngôn ngữ trước khi họ tách khỏi nhóm lớn. Tuy nhiên, với thời gian, những âm và thanh mới lần hồi “len” vào ngôn ngữ của họ để chỉ những sự kiện, sự vật mà ở chốn cũ không có. Đồng thời có nhiều từ chỉ những sự vật ở chốn cũ sang vùng đất mới này lại không có nên lâu ngày không dùng và bị quên đi.

Tại sao loài người không sử dụng cùng một thứ ngôn ngữ?

Từ đó, sự thay đổi phát âm cho đến từ mới, cấu trúc câu nói cũng lần lần thay đổi. Lại phải kể đến sự kiện là ở vùng đất mới đã có người cư ngụ. Vì nhu cầu giao tiếp, ngôn ngữ của người mới đến và người bản địa có sự thêm bớt, thay đổi. Tất nhiên sự biến đổi diễn ra rất chậm. Và ngôn ngữ – hoặc của người mới đến hoặc của người bản địa – trở thành “phương ngữ, thổ ngữ” (dialect). Sau một thời gian dài, chịu nhiều sự thêm bớt, thay đổi trong phát âm, cấu trúc câu… một ngôn ngữ mới được hình thành.

Các ngôn ngữ Tây Ban Nha, Pháp, Bồ Đào Nha đã hình thành từ cái gốc của nó là ngôn ngữ La tinh. Và ngôn ngữ Anh, Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch, Đức hình thành từ ngôn ngữ Đức cổ.

Những ngôn ngữ xuất phát từ cùng một ngôn ngữ gốc là bà con xa, gần với nhau tùy theo ngôn ngữ có bị pha trộn, thay đổi nhiều hay ít.

TH (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật