Cũng như rằm tháng Bảy của người Việt, người dân phương Tây coi đêm ngày 31/10 đến rạng sáng ngày 1/11 hằng năm là ngày âm dương giao hòa, các linh hồn sẽ quay trở lại trần thế.
Vào ngày đó, mọi nhà đều chuẩn bị những chiếc đèn lồng từ quả bí ngô, khoét hình mặt quỷ để xua đuổi tà ma. Hơn nữa, quan niệm phương Tây cho rằng, màu vàng tượng trưng cho sự thành công và giàu sang. Vì vậy, họ thường trang trí nhà bằng bí ngô trong mùa Halloween với mong muốn mang lại may mắn và hạnh phúc.
Lễ hội Halloween theo truyền thống có rất nhiều hoạt động như hóa trang thành mặt quỷ để diễu hành trên đường phố, nhằm đánh lừa linh hồn người chết nhập vào cơ thể của mình.
Vậy tại sao lễ hội Halloween lại gắn liền với hình ảnh quả bí ngô?
Có một truyền thuyết ở Ireland kể rằng, ở một vùng nọ có một anh chàng nông dân thông minh nhưng nổi tiếng keo kiệt, hà tiện tên là Jack nên người dân gọi anh là Jack Hà Tiện. Anh ta thường chỉ giao du, kết bạn với một con quỷ.
Một hôm 2 người uống rượu, nhưng Jack do bản tính hà tiện, không muốn trả tiền nên anh chàng bèn gạ con quỷ tự biến thành đồng tiền để trả cho người bán hàng. Quỷ dữ nghe thấy thế, liền biến thành đồng tiền theo ý Jack. Nhưng Jack bản tính láu cá đã bỏ đồng tiền (do quỷ dữ hóa thân) vào túi có thánh giá khiến quỷ không thể trở lại nguyên hình được nữa.
Sau đó, Jack đồng ý bỏ cây thánh giá để quỷ trở lại hình dạng cũ với điều kiện: Quỷ không được quấy nhiễu Jack trong suốt 1 năm, và nếu Jack chết, quỷ cũng không được thu linh hồn của anh. Quỷ đồng ý.
Hết 1 năm giao kèo, vì sợ quỷ sẽ quấy nhiễu mình, Jack lại lừa quỷ leo lên cây táo hái quả. Trong lúc tên quỷ loay hoay trên cây thì Jack khắc ngay một thánh giá vào gốc. Quỷ sợ quá không dám leo xuống và Jack đã thỏa thuận với quỷ là không được trêu chọc anh thêm 10 năm nữa thì Jack mới xóa vết khắc.
Một thời gian sau, Jack chết. Hồn ma của Jack đến gõ cửa thiên đường nhưng Thượng đế không nhận vì bản tính lừa đảo của anh.
Sau đó, Jack xuống địa ngục nhưng xuống đây, tên quỷ vì giữ lời hứa không bắt hồn Jack nên đã đuổi anh đi. Tên quỷ tỏ ý thương hại nên đã cho Jack một cục than hồng để dò đường trong đêm tối. Jack bỏ cục than cháy đỏ vào trong một củ khoai tây thối (có bản nói là củ cải) làm đèn và luẩn quẩn khắp cõi dương gian.
Cũng từ đó, người dân coi việc đặt những ngọn nến vào củ khoai tây trong ngày lễ Halloween là việc nên làm để tránh tà ma.
Rồi tới khi di chuyển từ Ireland và Anh quốc tới Hoa Kỳ, người dân thấy rằng những quả bí ngô, loại nông sản đặc trưng của vùng đất này có thể dễ dàng để họ khoét ruột và khắc họa những khuôn mặt đáng sợ, láu cá. Họ liền để những cây nến vào trong ruột quả bí ngô để soi đường cho những linh hồn ma quỷ vất vưởng.
Về sau do ảnh hưởng của Hoa Kỳ mà nhiều nơi trên thế giới đã dùng quả bí ngô trong ngày Halloween, dần dần nó đã trở thành biểu tượng đắc trưng trong dịp lễ này.
Truyền thống chạm khắc bí ngô của Mỹ (được ghi lại vào năm 1837) có liên quan tới thời gian thu hoạch nói chung, chỉ trở nên quen thuộc vào giữa đến cuối thế kỷ XIX.
Quốc Tiệp (Nguoiduatin.vn)