Theo bách khoa toàn thư mở Wikipedia thì: Châu Thành là tên gọi chung để chỉ lỵ sở hay thủ phủ của tỉnh. Về sau, biến thành tên riêng một loạt thủ phủ của nhiều tỉnh ở Nam Kỳ (Nam Bộ Việt Nam). Ngày nay, các huyện Châu Thành ở Nam Bộ là (hoặc từng là) vùng đất tiếp giáp các tỉnh lỵ.
Còn theo phó giáo sư - tiến sĩ ngôn ngữ học Lê Trung Hoa thì “châu thành” theo tiếng Hán có nghĩa là bao vây chung quanh thành phố. Chính vì lẽ đó mà huyện Châu Thành của các tỉnh miền Tây Nam Bộ hiện nay đều nằm cạnh thị xã, hoặc thành phố của tỉnh đó.
Trong bài viết Địa danh Châu Thành đăng trên tạp chí Nghiên cứu và Phát triển (số 3/2009) của tác giả Nguyễn Thanh Lợi, sau khi chiếm nốt 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ, tháng 6/1867, Pháp ra nghị định chia 6 tỉnh Nam Kỳ ra 24 hạt tham biện. Lỵ sở của hạt gọi là châu thành, có chức năng như một trung tâm hành chính của hạt. Tỉnh Sài Gòn có các châu thành Sài Gòn, Chợ Lớn, Cần Giuộc…; tỉnh Mỹ Tho có các châu thành Mỹ Tho, Chợ Gạo, Cần Lố, Cai Lậy. Từ năm 1912, địa danh Châu Thành chính thức được đặt tên cho nhiều đơn vị hành chính cấp quận ở Nam Kỳ. Ở hàng chục tỉnh như Mỹ Tho, Cần Thơ, Sa Đéc, Sóc Trăng… đều có quận Châu Thành.
Cũng trong cùng bài viết, tác giả Nguyễn Thanh Lợi cũng cho biết thêm, châu thành ngày trước chỉ các trung tâm hành chính, nơi có chợ búa, cơ quan của hạt tham biện trú đóng. Sau khi thành lập các thị xã với chức năng tỉnh lỵ, nó chiếm một phần diện tích của châu thành, phần còn lại vẫn giữ tên cũ là quận Châu Thành và sau này là huyện Châu Thành.
Ngày nay, Châu Thành được sử dụng để đặt tên cho 11 huyện ở các tỉnh An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Hậu Giang (có huyện Châu Thành và Châu Thành A), Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh và Tây Ninh.
Dung (SHTT)