Mặc dù đã gây không ít phẫn nộ và phiền phức cho khách hàng của mình nhưng overbooking vẫn luôn được tiến hành cho tới thời điểm hiện tại. Theo một số thống kê không chính thống, trung bình mỗi năm có khoảng 50.000 người bị đuổi khỏi máy bay dù đã hoàn thành tất cả các thủ tục thanh toán cần thiết.
Nghe ra thì khá nhiều đúng không? Chẳng lẽ các hãng hàng không không sợ mất uy tín hay bị tẩy chay sao?
Sự thật là mất mát này chẳng đáng là bao so với nguồn lực bị lãng phí trong các chuyến bay đã bán hết vé nhưng còn quá nhiều chỗ trống. Các hãng hàng không đã nghĩ ra một cách là bán dư một lượng vé nhất định nhiều hơn số ghế thực tế nhằm đảm bảo mỗi chuyến bay kín chỗ tối đa có thể để đảm bảo lợi nhuận.
Vậy số lượng "nhất định" ở đây là bao nhiêu?
Mỗi một hãng hàng không đều có cho mình một kho dữ liệu khổng lồ riêng biệt. Dựa trên kho dữ liệu đó, hệ thống quản lý doanh thu của họ sẽ làm nhiệm vụ tìm ra những ghế sẽ dùng để đặt quá chỗ.
Hệ thống quản lý doanh thu là một mô hình máy tính phức tạp cho phép phân tích, dự đoán một loạt các dữ liệu về lịch sử chuyến bay hoặc các thông số khác như ngày tháng, thời điểm hay các sự kiện. Nó giúp các hãng sơ lược qua các loại vé bán và ước tính lượng ghế sẽ bị bỏ trống. Con số này thực sự rất quan trọng với các hãng hàng không và giúp họ duy trì được một dịch vụ tốt và dài lâu cho khách hàng trong ngành công nghiệp rất cạnh tranh này.
Lợi nhuận từ overbooking sẽ giúp họ khắc phục những yếu tố gây ảnh hưởng đến lợi nhuận chẳng hạn như chi phí lao động tăng hay sự thay đổi giá nhiên liệu. Tất nhiên, hành khách cũng từ đó mà được hưởng nhiều lợi ích hơn như đa dạng hóa lựa chọn khi đặt chuyến bay, vé giá rẻ,..
Đấy là chưa kể đến những trường hợp những hành khách mua vé bay linh hoạt. Giá sẽ cao hơn, nhưng nó cho phép họ có thể đổi chuyến mà không mất phí nào. Loại này thường được mua bởi các khách hạng thương gia, và đó cũng là lý do khiến các hãng bay phải đặt quá chỗ. Cũng có nhiều khả năng loại vé linh hoạt này được đặt trên nhiều chuyến bay để phòng hờ, lúc đó sẽ chỉ trống ít nhất một ghế thôi, cách làm này được sử dụng với loại Concorde, loại máy bay siêu thanh này chỉ có đủ ghế cho 100 người nhưng 2 hãng Bristish Airways và Air France lại bán đến 130 vé cho mỗi chuyến. Được biết, phần lớn khách hàng đều là thương gia, họ mua loại vé linh hoạt và có thể đổi chuyến khác vào phút chót.
Khách hàng phải làm gì để không bị "đuổi" khỏi máy bay?
Kể cả có bức xúc với tình huống này thì khi cần bạn vẫn phải bay thôi. Vậy làm sao để loại bỏ xác xuất "xui xẻo" này?
Theo vài chuyên gia trong lĩnh vực này, nếu bạn không muốn bị hủy chuyến vì đặt quá chỗ, bạn cần mua vé hạng nhất hay có thẻ tích điểm đủ tốt, hoặc đi cùng với gia đình. Nếu bạn đi một mình hoặc bạn là hành khách check in cuối cùng, mua vé sát giờ bay hay là vé bay giá rẻ, tất cả điều đó sẽ khiến bạn có nguy cơ bị hủy chuyến đấy.
Và nếu bạn không tự nguyện xuống máy bay thì cũng chẳng kháng cự thêm được gì nữa, vì khi đặt vé, bạn đã đồng ý với các điều khoản vận chuyển. Trong hợp đồng vận chuyển đã nêu rõ, các hãng bay được phép từ chối bay với bất kỳ hành khách nào.
"Kẻ xui xẻo" có được đền bù thiệt hại không?
Khi chẳng may rơi vào trường hợp của "người được chọn" bị lôi khỏi máy bay, đừng quá lo lắng vì ít ra bạn cũng sẽ được đền bù một chút để an ủi tinh thần đấy. Tất nhiên là mỗi một địa phương và hãng bay sẽ có một phương thức và cách đền bù khác nhau.
Nếu bạn đi tới hay xuất phát từ một sân bay châu Âu và cũng trên một hãng bay thuộc châu Âu, dĩ nhiên quyền lợi của bạn sẽ được bảo vệ tốt hơn nhờ quy định bồi thường tại châu Âu.
Còn ở Mỹ, việc bồi thường phụ thuộc vào thời lượng bị hoãn và là chuyến nội địa hay quốc tế nữa. Nếu vô tình bị hủy và phải đợi chuyến khác chưa đến một tiếng, bạn sẽ chẳng nhận được khoản đền bù nào. Nhưng nếu hãng bay không sắp xếp được chuyến nào thay thế, bạn có thể được đền bù cao nhất là 1.350 USD cho chuyến nội địa, bất kể giá vé bạn mua có cao hơn số tiền đó hay không. Hãng bay đó có thể bồi thường bằng tiền mặt, các voucher quà tặng hay có thể là cả 2 phương án trên.
Dung (SHTT)