Nhìn chung, tế bào của các loài động vật đều có kích thước như nhau. Tế bào chuột người có kích thước tương đương. Chuột chỉ có ít tế bào hơn và tuổi thọ ngắn hơn mà thôi. Ít tế bào và tuổi thọ ngắn hơn đồng nghĩa với khả năng sự cố hoặc đột biến tế bào sẽ thấp hơn. Do đó tỷ lệ ung thư phải ít hơn? Hoặc đáng ra mọi chuyện nên như thế!
Con người sống lâu hơn 50 lần và có số lượng tế bào gấp 1.000 lần so với chuột. Thế nhưng về cơ bản, tỷ lệ ung thư ở người và ở chuột đều như nhau. Kỳ lạ hơn nữa, cá voi xanh có số lượng tế bào gấp 3.000 lần so với con người, nhưng chúng dường như miễn nhiễm với ung thư. Đây là nghịch lý Peto cho rằng động vật càng lớn thì càng ít bị ung thư hơn so với bình thường. Có hai cách chính để giải thích nghịch lý trên đó là: Tiến hóa và Siêu khối u.
Khi các sinh vật đa bào phát triển cách đây 600 triệu năm, Động vật ngày càng to lớn hơn, có nghĩa càng có nhiều tế bào hơn, do đó ngày càng có nhiều khả năng tế bào bị hỏng. Vì vậy, các loài đã phải đầu tư vào tiến trình phòng chống ung thư nhiều hơn. Loài nào không làm được thì tiệt chủng.
Tế bào ung thư bắt nguồn từ Gen sinh ung, đầu tiên Gen đột biến làm mất khả năng tự huỷ của tế bào, sau đó một đột biến khác phát triển khả năng ẩn nấp khỏi hệ miễn dịch, một đột biến nữa yêu cầu cơ thể cung cấp dinh dưỡng và đột biến cuối cùng khiến chúng nhân bản nhanh chóng. Tuy nhiên, những Gen sinh ung này có kẻ thù là Gen ức chế khối u. Chúng ức chế những đột biến trọng yếu hoặc lệnh cho tế bào tự sát nếu chúng đánh giá tế bào đó không còn khả năng phục hồi.
Ở động vật lớn có số lượng Gen ức chế khối u khá nhiều. Bởi vậy các tế bào của voi cần nhiều đột biến hơn so với chuột để có thể tạo thành một khối u. Chúng không miễn nhiễm hoàn toàn, nhưng có khả năng chống chọi tốt hơn.
Thông thường, các tế bào làm việc cùng nhau để tạo thành các cấu trúc như nội tạng, mô hoặc hệ thống miễn dịch. Nhưng các tế bào ung thư thường ích kỷ và chỉ hoạt động vì lợi ích trước mắt của riêng chúng. Nếu chúng thành công, chúng tạo thành một tập hợp mô ung thư khổng lồ gọi là khối u. Tuy nhiên, việc tạo thành khối u khá khó vì hàng triệu tế bào ung thư nhân lên nhanh chóng đòi hỏi nhiều dinh dưỡng. Lượng chất dinh dưỡng hạn hẹp lấy trộm được từ cơ thể hạn chế sự tăng trưởng của chúng. Vì vậy, các khối u lừa cơ thể tạo các mạch máu mới cung cấp dinh dưỡng trực tiếp và tại đây, bản chất ích kỷ của các tế bào ung thư có thể thành chính mồ chôn cho chúng.
Các tế bào ung thư vốn không ổn định về mặt di truyền vì vậy chúng tiếp tục đột biến. Đến một lúc nào đó, một trong những bản sao đột nhiên nghĩ rằng nó là một tế bào ung thư độc lập và trở mặt với tế bào ung thư gốc. Có nghĩa là các tế bào đột biến mới tạo thành khối u lấy chất dinh dưỡng trên chính khối u gốc. Thay vì giúp đỡ lẫn nhau, chúng sẽ tranh giành nguồn cung cấp máu, dẫn đến việc kiệt quệ và giết chết tế bào ung thư ban đầu. Ung thư giết chết ung thư, quá trình này có thể lặp đi lặp lại và điều này ngăn chặn việc ung thư trở thành một vấn đề đối với một sinh vật lớn.
Có khả năng rằng những động vật lớn có nhiều siêu khối u hơn chúng ta tưởng, chỉ có điều không đủ lớn để chúng bận tâm. Một khối u nặng 2g ở chuột chiếm 10% trọng lượng cơ thể, trong khi đó nó chỉ chiếm 0,002% trọng lượng con người và khoảng 0,000002% của một con cá voi xanh. Vì vậy, một con cá voi xanh già có thể có đầy những khối u nhỏ và không có một khối u nào đủ thời gian phát triển vì chúng sẽ tiêu diệt lẫn nhau trước khi đủ lớn để tổn hại đến cá voi.
Tuy chưa hoàn toàn hiểu rõ nhưng các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu làm thế nào mà các động vật lớn có thể chống chọi được một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất để có thể mở ra phương pháp điều trị mới. Cuối cùng thì chúng ta cũng đã bắt đầu hiểu được ung thư và đây là tiền đề để đến một ngày nào đó có thể biến ung thư trở thành một căn bệnh bình thường.
Dung (Nguoiduatin.vn)