Chỉ trong vòng khoảng hơn 1 tháng qua, miền Trung đã hứng chịu 3 cơn bão lớn gây thiệt hại nặng nề. Trong khi người dân ở nhiều tỉnh miền Trung vẫn đang oằn mình với nước lũ thì 1-2 ngày tới, liên tiếp hai cơn bão số 8 và 9 lại tiếp tục đổ bộ vào đất liền, ảnh hưởng trực tiếp các tỉnh Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Theo các nghiên cứu, có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới việc miền Trung nước ta trở thành trung tâm hứng chịu những cơn bão lớn.
Bão chỉ có thể hình thành khi có đủ 3 điều kiện: Nhiệt, ẩm và động lực để tạo xoáy. Đa phần các cơn bão lớn thường bắt nguồn từ nguyên nhân địa lý. Theo đó, bão hình thành ở các vùng nhiệt đới vì hiện tượng thiên nhiên này cần một dòng nước rất nóng, tối thiểu là 26 độ ở độ sâu ít nhất là 50m.
Bão thường hình thành gần đường xích đạo và có khuynh hướng đi về 2 cực của trái đất, càng đi xa vận tốc càng lớn nên ở vùng gần đường xích đạo thường ít chịu ảnh hưởng từ những cơn bão.
Trên thực tế, bão là một cách "xả nhiệt" cho đại dương. Hầu hết các cơn bão thường đi men theo rìa các áp cao và chịu lực hút từ các vùng áp thấp. Ở nước ta, những tháng mặt nước biển chứa nhiều năng lượng nhất (tháng 7,8,9) rãnh thấp thường nằm vắt ngang miền Trung nên bão cũng thường theo đường đó mà đi.
Miền Trung là nơi phải hứng chịu gió phơn Tây Nam, loại gió mang hơi ẩm nhiều nên thường gây mưa. Khi bão hình thành ở biển Đông, do bị ảnh hưởng bởi gió phơn nên sẽ bị đẩy lên phía Bắc. Khi gió yếu đi, bão có xu hướng dịch chuyển dần về miền Trung.
Tóm lại nguyên nhân chính của bão lũ ở miền Trung là do các cơn bão được hình thành từ biển Đông và gió mùa Đông Bắc dựa vào đặc điểm thời tiết miền Trung rất phù hợp để hình thành con đường di chuyển mắt bão. Chính vì vậy, hàng năm những trận bão biển và gió mùa Đông Bắc thường gây nên những trận mưa lớn ở miền Trung.
Đa số các tỉnh miền Trung khi bão đổ bộ vào thường gây ra tình trạng lũ lụt trên diện rộng. Nguyên do là bởi bờ biển miền Trung dài 1200 km và gồm các tỉnh từ Thanh Hoá đến Bình Thuận. Dãy Trường Sơn chạy suốt theo bờ biển, nên đồng bằng ở miền Trung rất hạn hẹp. Nơi đây còn có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt với quy mô lớn như Sông Gianh ở Quảng Bình, Sông Thạch Hản ở Quảng Trị, Sông Hương ở Huế-Thừa Thiên, Sông Thu Bồn ở Quảng Nam, Sông Trà Khúc ở Quảng Ngãi,...
Sông, suối nhiều nhưng chiều dài các sông đa số ngắn và có độ dốc lớn. Lưu vực các sông thường là đồi núi nên nước mưa đổ xuống rất nhanh. Các cửa sông lại hay bị bồi lấp làm cản trở việc thoát lũ cho vùng đồng bằng.
TH (Nguoiduatin.vn)