Khi xem thi đấu bóng bàn, chúng ta sẽ nhận thấy màu sắc ở hai mặt vợt mà vận động viên sử dụng khác nhau. Nêu ta quan sát kỹ tay vợt ta cũng nhận thấy lớp cao su dán trên hai bề mặt không giống nhau. Mặt vợt một phía nhẵn phẳng, còn phía kia thì dán ngược lại. Dưới lớp cao su vẫn còn một lớp khác. Tại sao lại như vậy?
Do vận động viên chơi bóng cần thiên biến vạn hoá, lúc thì đánh xoáy khi lại thả lỏng. Những vận động viên chuyên đánh theo lối tấn công thường chọn vợt có lớp cao su trên lớp mút nhưng mặt gai ra ngoài vì như vậy lực đàn hồi sẽ mạnh hơn, diện tích tiếp xúc giữa trái bóng và bề mặt nhỏ, thời gian trái bóng dừng lại ngắn, bóng bay ra với tốc độ nhanh. Điều này rất có lợi, tạo thêm sức mạnh và tốc độ cho các vận động viên sử dụng phương pháp tấn công.
Ngược lại, những cây vợt có lớp cao su dán ngược vào mặt trong lại thích hợp với những vận động viên chơi bóng xoáy hoặc bóng giật. Cả hai cách chơi này đều nặng về phát huy uy lực theo đường xoáy của bóng. Bề mặt vợt dán ngược sẽ làm tăng độ bám dính. Khi chơi diện tích tiếp xúc giữa bóng và mặt vợt lớn hơn, lực ma sát cũng lớn hơn, càng c trong việc phát huy đặc điểm của đường xoáy. Đồng thời, giữa lớp mút và lớp cao su tạo ra rất nhiều khoảng rỗng khi tiếp xúc với bóng, mặt vợt sẽ bị lõm xuống. Vận động viên sẽ tận dụng được lực ma sát tạo cho bóng xoáy hơn.
Vận động viên khi sử dụng vợt thường lựa chọn một mặt thuận một mặt ngược để khi đánh bóng có thể luôn thay đổi, lúc dùng mặt này lúc dùng mặt kia làm cho đối phương khó có thể phán đoán được khiến cho cuộc thi kịch tính hơn. Theo quy chuẩn, hội bóng bàn quốc tế đã quy định chặt chẽ độ dầy của lớp mút và lớp cao su dán trên mặt vợt, đồng thời quy định hai mặt dán phải có màu khác nhau.
TH (Nguoiduatin.vn)