Trong những ngày đông giá lạnh, Hà Nội và các tỉnh miền Bắc thường xuất hiện hiện tượng sương mù dày đặc vào sáng sớm hoặc chiều tối.
Đây là hiện tượng hơi ẩm trên Trái Đất bốc hơi và chuyển động lên cao, lạnh dần và ngưng tụ tạo thành những hạt nước nhỏ li ti giống như mây nhưng lơ lửng gần mặt đất gây ra hiện tượng sương mù. Vì thế sương mù có thể xem như dạng mây thấp và nhiều người cũng gọi sương mù là mây mù. Khi sương mù dày đặc, những hạt nước li ti đủ khiến mọi thứ bị ướt như mưa nhỏ nên nhiều người cũng gọi hiện tượng này mà 'mưa sương', 'mưa mù' hay 'quá mù ra mưa'.
Sương mù là hiện tượng khí tượng nguy hiểm. Đặc biệt đối với giao thông vận tải đường bộ, đường sông, đường biển và hàng không, hàng năm sương mù đã gây ra những trở ngại và tổn thất không nhỏ.
Ở Việt Nam, sương mù xuất hiện từ các tháng cuối thu cho đến cuối xuân, nhiều và mạnh nhất trong các tháng mùa đông. Ngày nay, do sự ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng nên sương mù xảy ra nhiều hơn với cường độ mạnh hơn, đặc biệt là tại thành phố như Hà Nội.
Sương mù chỉ xuất hiện nhiều vào mùa đông bởi chúng cần 3 yếu tố cơ bản để hình thành bao gồm: Độ ẩm trong không khí cao, tốc độ gió yếu hoặc không có gió, nhiệt độ không khí tương đối thấp.
Sương mù thường xuất hiện khi không khí ở mặt nước ao, hồ, sông, suối… có độ ẩm lớn và di chuyển tới vùng mặt đệm thấp hơn sẽ tạo thành những hạt nước vô cùng nhỏ. Những hạt nước nhỏ này càng nhiều thì những làn sương mù sẽ càng dày và nhiều hơn.
Mùa đông là thời gian nhiệt độ không khí trung bình là thấp hơn các mùa khác trong năm, độ ẩm trong không khí thì cao bởi nhiệt độ thấp. Vào mùa đông thì gió cũng không quá nhiều để tạo thành bão như mùa thu, thường thì gió mùa đông thường yếu và có những ngày không có gió. Đó là lý do mùa đông sương mù xuất hiện nhiều hơn.
TH (Nguoiduatin.vn)