Thực chất, khi cắm sạc điện thoại vào ban đêm, pin Li-ion sẽ bắt đầu sạc chậm cho đến khi nó đầy hoặc đạt trạng thái "bão hòa" ở điện áp 4,1 V rồi tự ngắt. Như vậy, nếu cục sạc mà chúng ta đang sử dụng là sạc tốt, không có lỗi lầm gì thì nó sẽ không thể nào sạc quá tải pin điện thoại.
Có người lại đặt ra câu hỏi là: Liệu khi cắm sạc quá lâu, "tuổi thọ" của pin sẽ bị suy giảm?
Theo một số chuyên gia về ngành này cho biết: "Nếu bạn sạc điện thoại của mình tới 100% và giữ ở mức đó - bằng cách tiếp tục cắm sạc hoặc sạc qua đêm - tuổi thọ của pin sẽ ảnh hưởng tiêu cực". Trong trường hợp này, thành phần hóa học bên trong của pin sẽ thay đổi, khiến cho khả năng lưu trữ và cung cấp điện cho thiết bị kém hiệu quả hơn.
Tất cả các loại pin sạc đều có tuổi thọ giới hạn trong phạm vi nhất định. Bất kể bạn làm cách nào, dung lượng pin cũng sẽ giảm dần theo thời gian, nhưng bạn có thể làm cho tiến trình này nhanh hoặc chậm hơn. Vậy nên nếu thấy điện thoại đã đầy pin rồi thì không nên cắm tiếp nữa.
Nhiều người vẫn nghĩ rằng khi đã sạc đầy pin, chúng ta cứ thế dùng cho đến khi hết pin rồi mới sạc lại. Điều này không tốt cho pin. Trên thực tế hãy sạc pin cho điện thoại mỗi khi bạn có thể thay vì cứ để vậy dùng đến khi pin cạn rồi mới sạc lại. Khoảng dung lượng lý tưởng để sạc lại pin là từ 40 - 80%. Sạc pin qua đêm sẽ không cho phép kiểm soát quá trình này, trừ phi cứ 3 tiếng bạn tỉnh dậy một lần.
Tính năng trên nhằm ngăn chặn các tổn hại có thể xảy đến với pin vì sạc quá mức, nhưng nó không ngăn được viên pin sản sinh nhiệt. Khi điện thoại xả hay được sạc lại pin thì thiết bị sẽ nóng lên và sẽ càng nóng hơn nếu nó bị bao bọc bởi chăn gối hay nằm trên một bề mặt giữ nhiệt như nệm. Từ đó khiến thiết bị bị quá nhiệt gây cháy nổ, nguy hiểm hơn là chăn gối nệm là vật liệu dễ cháy.
Vì vậy, tốt nhất bạn nên tránh sạc pin smartphone qua đêm, ngoại trừ trường hợp bất khả kháng. Và trong trường hợp này, hãy đảm bảo rằng bạn không che phủ bất kỳ bên ngoài nó, kể cả ốp bảo vệ để tránh viên pin nóng lên không cần thiết và có hại.
Dung (SHTT)