Những chiếc sào treo đồ mà du khách thường thấy gọi là cây "bẹo". Từ "bẹo" là phương ngữ Nam bộ, xuất phát từ câu nói "bẹo hình bẹo dạng" nhằm có ý gọi mời, phô diễn hình dạng. Vì ở môi trường sông nước, các thương lái không thể rao bán như chợ trên đất liền. Người dân trên chợ nổi đều dựng một cây sào và treo các mặt hàng mà mình bán nhằm giúp khách có thể dễ dàng nhận biết từ xa.
Cây bẹo này thường treo các loại sản vật địa phương như một cách quảng bá cho sản phẩm mà chủ ghe đang bán. Thường các loại trái cây đều để trong ghe, khách bị khuất tầm nhìn và không biết trong ghe đó bán gì. Vì vậy, hầu hết các ghe đều cắm một vài cây sào rồi treo tượng trưng lên đó những nông sản mà mình muốn bán để khách dễ nhìn và cũng dễ phân biệt với các ghe khác.
Cây bẹo là một hình thức quảng cáo trực quan thông minh. Vì nếu treo bảng hiệu mà để quá cao thì sẽ vướng gió, để quá thấp thì khách hàng sẽ không thấy. Còn với cây bẹo thì khách hàng chỉ cần đứng từ xa nhìn vào là đã biết trên ghe bán những mặt hàng nào.
Tuy nhiên, không phải thứ gì treo trên cây bẹo cũng là hàng muốn bán. Bởi người dân buôn bán trên chợ nổi coi ghe hàng như căn nhà, vì thế họ phơi cả quần áo hay một vài vật dụng khác trên bẹo.
Nếu ai đó muốn bán cả chiếc ghe, họ sẽ treo lên cây bẹo một tấm lá lợp nhà hoặc tàu lá dừa gọi là hình thức 'bẹo lá bán ghe'. Người dân khi nhìn thấy bẹo treo lá thì sẽ hiểu rằng chủ ghe đang muốn bán chiếc ghe của mình.
Cây bẹo giúp chúng ta phân biệt được ghe mua và ghe bán một cách dễ dàng. Dù hiện nay có nhiều ghe áp dụng những hình thức bẹo hàng hiện đại như dùng bảng hiệu, hộp đèn màu, áp phích, băng rôn. Nhưng hình ảnh cây bẹo từ lâu đã đi sâu vào đời sống văn hóa của người dân vùng sông nước, trở thành biểu tượng đặc trưng cho các ghe xuồng của dân thương lái nơi đây.
TH (SHTT)