Số đông hảo hán theo Tống Giang đi đánh quân Liêu xâm lược và dẹp các cuộc nổi loạn. Còn lại không bị tử thương trong chiến trận, không bị bức hại mà chết được coi là có hậu vận may mắn. Cuộc đời của họ từ đó mỗi người một hướng, có người sống an nhàn, có người phiêu dạt đó đây nhưng có người lại được danh vị tiền bạc, thậm chí làm đến chức đế vương.
Những người nhận quan chức triều đình
“Tiểu toàn phong” Sài Tiến: vốn xuất thân từ dòng dõi hoàng tộc nhà Hậu Chu, sau khi theo Tống Giang quy thuận triều đình nhà Tống, đi đánh trận có công được làm quan đến chức Hoành Hải quân Đô Thống chế, một thời gian thì từ quan về Thương Châu làm dân, sống cuộc đời tự tại cho đến khi lâm bệnh mà mất.
“Phốc thiên điêu” Lý Ứng: theo Tống Giang chinh chiến với quân Liêu xâm lược và dẹp loạn trong nước, cũng có công lao nên được trọng dụng, làm quan đến chức Đô thống chế Trung Sơn. Lúc nghe tin Sài Tiến từ quan, ông cũng cáo bệnh xin từ quan rồi về quê ở Độc Long Cương thuộc phủ Vận Châu làm dân cho đến cuối đời.
“Mỹ nhiệm công” Chu Đồng: cũng có công trong chiến trận, được làm Đô Thống chế phủ Bảo Định, rồi thăng lên làm Thái Bình quân Tiết độ sứ, sống đời sung sướng.
“Thần hành thái bảo” Đới Tung: đi đánh nước Liêu và phản loạn rồi làm đến Đô Thống chế phủ Cổn Châu, sau một thời gian thì từ quan về Thái An châu ở Nhạc miếu làm thủ từ được mấy tháng thì mất.
“Hoạt Diêm la” Nguyễn Tiểu Thất: giỏi nghề sông nước, trong đánh dẹp phản loạn, hai người anh của ông đều chết, chỉ còn mình ông. Vì có công, Nguyễn Tiểu Thất được phong chức Cái thiên quân Đô thống chế, nhưng sau bị gian thần vu cáo nên bị cách chức, ông về quê phụng dưỡng mẹ già rồi mất ở đây vào năm 60 tuổi.
“Trấn tam sơn” Hoàng Tín: từng làm Đô giám ở Thanh Châu trước khi lên Lương Sơn Bạc, sau khi cùng các anh hùng hảo hán quy thuận triều đình rồi đi đánh ngoại xâm, nội loạn có công, lại về Thanh Châu nhậm chức.
“Bệnh Uất trì” Tôn Lập: từng làm Đề hạt ở Đăng Châu, trải bao chiến trận cùng các anh hùng hảo hán, về sau lại được triều định ban thưởng, phong cho làm quan ở Đăng Châu.
“Oanh thiên lôi” Lăng Chấn: là người có tài chế tạo hỏa pháo, từng làm quan nhà Nam Tống, khi theo quân triều đình đánh Lương Sơn Bạc, trúng kế bị bắt. Sau đó theo Lương Sơn Bạc rồi quy thuận triều đình, trong các trận chiến Lăng Chấn lập được nhiều công, được ban thưởng và nhận chức ở Ngự doanh Hỏa pháo cục.
“Thần y” An Đạo Toàn: nổi tiếng về y thuật, vì tình thế bức bách phải theo lên Lương Sơn Bạc. Khi quy thuận triều đình, lúc các anh hùng hảo hán được lệnh đi đánh phản loạn thì có chỉ triệu An Đạo Toàn vào cung chữa bệnh cho Thái thượng hoàng, sau ông được làm quan ở Thái y viện.
“Tử nhiệm bá” Hoàng Phủ Đoan: có tài chữa trị bệnh cho ngựa, được tiến cử với Tống Giang nên theo về với Lương Sơn Bạc. Sau này lúc mọi người được lệnh lên đường đánh dẹp phản loạn thì vua biết tài của ông nên giữ lại kinh thành cho làm quan Đại sứ Ngự mã giám.
“Ngọc tý tượng” Kim Đại Kiên: có tài khắc bia, khắc dấu ấn; nhờ đó mà ông cùng với Hoàng Phủ Đoan được vua giữ lại trong kinh thành, sau đó phong cho chức Nội phủ Ngự bảo giám.
“Tiểu Uất Trì” Tôn Tân: là em của “Bệnh Uất trì” Tôn Lập. Ông theo tụ nghĩa tại Lương Sơn Bạc, sau lại nhận chiêu an của triều đình đi đánh nước Liêu và phản loạn nội địa có nhiều công lao, cùng với anh được phong làm quan ở Đăng Châu.
Những người không nhận quan chức, về ở ẩn làm dân thường
“Lãng tử” Yến Thanh: sau khi cùng anh em đánh xong trận, ông quyết định “công thành thân thoái”, không chịu nhận chức mà bỏ đi ở ẩn.
“Thiết diện Khổng Mục” Bùi Tuyên: văn võ song toàn, từng là quan xét án có tiếng, vì bị quan trên hãm hại nên phải trốn đến Ẩm Mã Xuyên làm cướp, sau lên Lương Sơn Bạc tụ nghĩa. Thắng phản loạn xong, ông cũng không chịu nhận quan tước mà về lại Ẩm Mã Xuyên ẩn dật.
“Cẩm báo tử” Dương Lâm: vốn là lục lâm thảo khấu, kết bạn với Bùi Tuyên, sau cùng theo Lương Sơn Bạc… Cũng giống như Bùi Tuyên, dù có công đánh phản loạn nhưng Dương Lâm không nhận tước vị mà về ở ẩn tại Ẩm Mã Xuyên.
“Thần toán tử” Tưởng Kính: giỏi cả văn hóa, nhưng đặc biệt có tài tính toán. Tưởng Kính sau khi từ chối ban thưởng của triều đình thì về quê ở Đàm Châu (Hồ Nam) làm dân thường.
“Thiết phiến tử” Tống Thanh: làm em trai của thủ lĩnh Tống Giang, theo anh phiêu dạt rồi gia nhập Lương Sơn Bạc. Dù sau đó đánh trận có ít nhiều công lao nhưng không nhận ban thưởng của triều đình mà xin về quê làm dân cày ruộng.
“Tiểu già lạn” Mục Xuân: vốn là phú hộ ở Triết Dương, cùng anh là Mục Hoằng ra nhập Lương Sơn Bạc làm Bộ quân tướng hiệu nhưng sau đó cũng không ham danh lợi mà về quê.
“Quỷ kiếm nhi” Đỗ Hưng: từng làm quản gia cho “Phốc thiên điêu” Lý Ứng, sau cũng theo Lương Sơn Bạc. Sau này Đỗ Hưng theo các hảo hán đi đánh trận, được triều đình ban thưởng nhưng không giữ chức quan mà ở cùng Lý Ứng; khi Lý Ứng từ quan về quê, Đỗ Hưng theo về làm dân ở Độc Long Cương.
“Độc giác long” Trâu Nhuận: cùng chú là Trâu Uyên ra nhập Lương Sơn Bạc, chinh chiến nhiều trận, sau quy thuận triều đình rồi theo đánh dẹp phản loạn có công. Sau này, tuy nhận ban thưởng nhưng Trâu Nhuận không muốn làm quan mà về ở ẩn tại núi Đăng Vân thuộc vùng Sơn Đông.
“Nhất chi hoa” Thái Khánh: vốn làm cai ngục ở phủ Đại Danh thuộc Bắc Kinh, sau theo Lương Sơn Bạc chuyên lo việc hành hình. Trải nhiều thăng trầm gian khổ cùng các hảo hán khác, Thái Khánh may mắn sống sót qua các trận chiến, nhận ban thưởng của triều đình rồi về làm dân ở phủ Đại Danh.
Những người xuất gia, tu hành
“Nhập vân long” Công Tôn Thắng: xuất thân là đạo sĩ phái Toàn Chân, sau khi dẹp loạn ông lại về Tế Châu tiếp tục làm đạo sĩ, tu luyện đạo pháp.
“Hoa hòa thượng” Lỗ Trí Thâm: sau những bôn ba sóng gió, ông về Hàng Châu tu hành rồi viên tịch ở chùa Lục Hòa.
“Hành giả” Võ Tòng: bị thương trong đánh dẹp, mất cánh tay trái, sau theo Lỗ Trí Thâm đi tu ở chùa Lục Hòa, thọ đến 80 tuổi mới mất.
“Thần cơ quân sư” Chu Vũ: sau khi theo quân tướng dẹp xong loạn Phương Lạp bèn theo Công Tôn Thắng xuất gia tu đạo.
“Hỗn thế ma vương” Phàn Thoại: vốn cũng là người tu theo phái Toàn Chân. Sau này theo các hảo hán đi đánh phản loạn theo lệnh của triều đình, lúc thắng lợi trở về, ông cùng với Chu Vũ theo Công Tôn Thắng đi tu đạo, vân du giang hồ, không màng đến quan chức tiền bạc.
Những người sống an nhàn trong quan phủ
“Thánh thủ thư sinh” Tiêu Nhượng: giỏi văn chương, viết chữ đẹp, lại có thể viết nhiều kiểu chữ của các nhà thư pháp nổi tiếng. Khi ông theo các anh hùng Lương Sơn Bạc quy thuận triều đình, lúc chuẩn bị lên đường đi đánh phản loạn thì được Thái Kinh là quan đầu triều giữ lại làm gia sư trong Thái phủ.
“Thiết khiếu tử” Nhạc Hòa: giỏi về âm nhạc ca hát và sử dụng nhạc cụ. Lúc các hảo hán nhận chiêu an và theo lệnh triều đình đi đánh phản loạn, có Vương đô úy là phò mã biết Nhạc Hòa giỏi ca hát nên xin với Tống Giang cho ở lại, từ đó ông lo việc âm nhạc trong phủ phò mã, sống an nhàn cho tới cuối đời.
“Mẫu đại trùng” Cố Đại Tẩu: là vợ của “Tiểu Uất Trì” Tôn Tân, theo chồng ra nhập Lương Sơn Bạc, sau lại nhận chiêu an của triều đình đi đánh trận. Lúc chồng được làm quan ở Đăng Châu, Cố Đại Tẩu theo chồng về sinh sống ở đây.
Những người xuất ngoại, làm vương làm tướng ở nước ngoài
“Hỗn giang long” Lý Tuấn: vốn là lái đò ở Lư Châu, giỏi nghề sông nước, lại có mưu lược, lập nhiều công trạng khi đi đánh dẹp phản loạn Phương Lạp nhưng không nhận quan chức mà bí mật xuất dương ra nước ngoài, lưu lạc đến Xiêm La. Tương truyền sau này ông làm Quốc vương của nước Xiêm La.
“Xuất động giao” Đồng Uy: vốn làm nghề buôn muối ở Tầm Dương, giỏi thuyền bè sông nước, lúc về với Lương Sơn Bạc được phong là trại đầu lĩnh thủy quân. Lúc bình định xong phản loạn, Đồng Oai theo Lý Tuấn bỏ ra nước ngoài; tương truyền ông làm quan ở nước Xiêm La.
“Phiên giang thần” Đồng Mãnh: là em của Đồng Uy, cuộc đời gắn bó với người anh. Sau ông cùng anh trai theo Lý Tuấn xuất ngoại rồi cũng làm quan ở nước Xiêm La.
Dung (SHTT)