Các chuyên gia cho rằng hoạt động của YouTube ở Việt Nam có biểu hiện trái pháp luật khi cổ xuý cho quảng cáo trên nội dung xấu và những người tạo ra nội dung xấu.
'YouTube cổ xuý cho quảng cáo trên nội dung xấu'
Theo Cục Phát thanh Truyền hình & Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), nhiều clip có nội dung xấu độc trên YouTube xuất hiện quảng cáo của các thương hiệu đang kinh doanh tại thị trường Việt Nam như Vaseline, Comfort (Unilever), Pampers, Ariel (P&G), Sendo (FPT), Samsung, Yamaha... Điều này vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam.
Bình luận về chủ đề này, ông N.T, một chuyên gia truyền thông và quảng cáo ở TP.HCM, cho rằng YouTube là đơn vị vi phạm đầu tiên khi cho phép người dùng upload những video có nội dung không phù hợp với pháp luật Việt Nam và để nó được hiển thị ở Việt Nam.
"YouTube không xử lý triệt để những cá nhân làm sai, và còn cổ xuý bằng cách cho họ quyền kiếm tiền quảng cáo từ những video có nội dung xấu", chuyên gia này nhìn nhận.
Quy trình đăng video quảng cáo lên YouTube khi có thông qua công ty truyền thông trung gian. Đồ hoạ: Hữu Nhân. |
Theo ông Nguyễn Bá Ngọc, Giám đốc công ty truyền thông NBN Media, YouTube cũng như Google, Facebook và một số dịch vụ trực tuyến khác là những mô hình sáng tạo thuộc về một "nền kinh tế mới" dựa trên nền tảng online và không biên giới trong những năm gần đây. Ở hầu hết quốc gia, kể cả Mỹ, chưa có nhiều luật lệ liên quan đến nền kinh tế "không biên giới" kiểu YouTube, Facebook nên tham chiếu là hiếm và khó. Cách làm hầu hết là vận dụng các luật sẵn có nếu thích hợp để điều chỉnh các hành vi.
Theo chuyên gia này, việc để lọt các trường hợp video "phản cảm" hay không phù hợp là bởi YouTube cũng như các công ty khác hầu như chủ yếu dùng công cụ để quét và loại trừ các sai phạm. Phần còn lại thường được giải quyết bằng cơ chế chính người dùng báo cáo sai phạm tới nhà cung cấp.
Ông Ngọc cũng cho rằng Việt Nam là một trong những thị trường phát triển nhanh và nóng nhất của YouTube, song sự đầu tư trở lại cho nhân lực và các hệ thống hỗ trợ, kiểm soát - kể cả theo chuẩn của YouTube - chưa đủ, chưa kịp thời.
Phản ứng chậm chạp, vi phạm luật
Ngày 24/2, Bộ VH-TT&DL gửi công văn đến Bộ TT&TT cho biết sẽ tiến hành kiểm tra và xử phạt hành chính YouTube vì chưa thực hiện thủ tục thông báo mà đã thể hiện các nội dung quảng cáo tại Việt Nam.
Công văn này dẫn quy định tại khoản 2, điều 14, nghị định 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ. Theo đó, trang thông tin điện tử xuyên biên giới phát sinh doanh thu quảng cáo tại VN thì phải thực hiện thủ tục thông báo bằng văn bản về tên, địa chỉ của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo Việt Nam được uỷ quyền thực hiện dịch vụ quảng cáo; ngành nghề kinh doanh chính của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo VN được uỷ quyền thực hiện dịch vụ quảng cáo.
Ngoài ra, Bộ VH-TT&DL cũng cho rằng đối với các nội dung nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước trên YouTube, việc quản lý hoạt động và kiểm tra nội dung thông tin trên trang thông tin điện tử xuyên biên giới thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ TT&TT.
Đại diện Google Việt Nam chưa có phát ngôn gì về vụ việc. Họ không đưa ra lý do chậm trễ hoặc giải thích nguyên nhân vì sao quảng cáo lại được phép hiển thị trên các video có nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam.
Theo Luật sư Vũ Tiến Vinh (Công ty luật Bảo An, đoàn Luật sư Hà Nội), dù YouTube không trực tiếp là người đưa lên các video có nội dung xấu độc, họ vẫn phải có trách nhiệm với nội dung thông tin đăng tải. Khi YouTube hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, tuân thủ các quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
"Việc có bộ lọc hay không có bộ lọc chỉ là giải pháp về mặt công nghệ. Kể cả trường hợp có bộ lọc mà vẫn để lọt những tin bài có nội dung xấu, vi phạm pháp luật Việt Nam thì họ vẫn phải chịu các chế tài theo pháp luật Việt Nam", luật sư Vinh khẳng định.
Theo ông John Medeiros, Chủ tịch phụ trách mảng Chính sách của Hiệp hội Truyền hình trả tiền châu Á - Thái Bình Dương (CASBAA), quảng cáo trên các website có vi phạm bản quyền hoặc nội dung xấu có thể làm ảnh hưởng đến hình ảnh của thương hiệu. Trong lúc chờ đợi phản hồi của YouTube và quyết định của cơ quan quản lý, một loạt doanh nghiệp lớn như Vinamilk, Vietnam Airlines đã tạm dừng hoạt động quảng cáo trên YouTube.
Hôm nay (3/3) là hạn cuối để các doanh nghiệp liên quan giải trình với Cục Phát thanh Truyền hình & Thông tin Điện tử về việc video quảng cáo có liên kết tới các clip xấu độc trên YouTube. Trao đổi với Zing.vn, Cục phó Lê Quang Tự Do cho biết sẽ có quyết định tiếp theo sau khi nhận giải trình của các doanh nghiệp.
Theo Duy Tín (Tri Thức Trực Tuyến)