Cụ thể, ở mục cập nhật phần mềm trên Windows 7, bản vá mang số hiệu KB3133977 trước đây không bắt buộc người dùng phải cài đặt. Đây thực chất là một loại “quảng cáo” hay thông báo nâng cấp lên Windows 10 sẽ hiện lên ở góc phải bên dưới giao diện desktop nếu người dùng chọn cài đặt vào máy.
Thông báo lỗi từ những máy dùng Windows 7 và bo mạch của Asus. Ảnh: Forbes. |
Tuy nhiên, gần đây Microsoft đã thay đổi thông tin bản vá này, khiến nó trở thành bản nâng cấp “Recommended” (được khuyên dùng) và vô số người dùng sử dụng chức năng Auto Update đã trở thành nạn nhân. Khi được cài đặt, KB3133977 sẽ gây ra lỗi nghiêm trọng đối với hệ thống máy tính sử dụng Windows 7 và có bo mạch chủ (motherboard) của hãng Asus.
Nguyên nhân ban đầu được xác định do mainboard thế hệ mới của Asus vốn được tích hợp tính năng Secure Boot có trong KB3133977, nhưng hệ điều hành Windows 7 không hỗ trợ tính năng này. Khi bản vá được cài đặt, bo mạch chủ sẽ kích hoạt Secure Boot và gây ra lỗi khiến máy không thể khởi động.
Theo InfoWorld, hãng Asus đã có hướng khắc phục tình trạng máy không thể khởi động là vô hiệu hóa Secure Boot. Asus cũng được yêu cầu phải nhận lỗi vì không đưa ra những bản nâng cấp mới hơn cho bo mạch chủ của họ khi KB3133977 được giới thiệu. Những máy tính sử dụng bo mạch chủ từ các hãng khác như HP hoặc Dell cũng có thể gặp trường hợp tương tự. Khi đó, người dùng được khuyên hãy gọi trực tiếp tới nhà sản xuất để có hướng khắc phục.
Về phía Microsoft, họ cũng đã đưa ra thông tin đính kèm với KB3133977 rằng bản vá này có thể gây ra lỗi với những máy sử dụng bo mạch chủ từ Asus khiến chúng không thể khởi động. Nhưng thông tin đó lại được sử dụng như chiêu trò để "dụ" người dùng nâng cấp lên Windows 10 để không mắc những lỗi đáng tiếc.
Với quyết tâm thuyết phục mọi người dùng nâng cấp lên Windows 10, Microsoft không đưa ra bất kì thay đổi nào cho KB3133977 hay cung cấp bản vá mới thích hợp hơn với Windows 7. Điều này có nghĩa người dùng phải tự khắc phục vấn đề hoặc nâng cấp lên Windows 10.
Theo Hoàng Vinh (Zing.vn)