Vụ phần mềm kiếm được 80.000 USD/tháng, Apple có vô can?

14/06/2017 10:16:00

Nhiều ý kiến cho rằng cách kiếm tiền “bẩn” 80.000 USD/tháng là khó chấp nhận, nhưng có người đặt vấn đề liệu Apple có cố tình để lọt những ứng dụng như vậy trên kho phần mềm của mình hay không.

Nhiều ý kiến cho rằng cách kiếm tiền “bẩn” 80.000 USD/tháng là khó chấp nhận, nhưng có người đặt vấn đề liệu Apple có cố tình để lọt những ứng dụng như vậy trên kho phần mềm của mình hay không.

Ứng dụng “Mobile protection :Clean & Security VPN” trên App Store - Ảnh: Johnny Lin

Ứng dụng “Mobile protection :Clean & Security VPN” để tên nhà phát triển cá nhân là Ngan Vo Thi Thuy có 50.000 lượt tải trên Apple App Store, được cho rằng có thể kiếm 80.000 USD/tháng. Ứng dụng này cung cấp dịch vụ gần như vô nghĩa nhưng bắt người dùng trả khoảng 400 USD/tháng tiền thuê bao. Cách kiếm tiền này bị lên án, và từ tên lập trình viên nhiều người đoán tác giả từ Việt Nam, có người khẳng định nhân vật này ở Đà Nẵng.

Trong status của mình trên trang cá nhân, anh Trần Việt Hùng cho rằng, với kiểu kiếm tiền này, Apple sẽ để ý đến những lập trình viên từ Việt Nam, có thể sẽ chặn không cho các ứng dụng từ Việt Nam đưa lên App Store. Nguy cơ này cũng có thể xảy ra đối với chợ ứng dụng Google Play Store.

Nhiều người đồng tình với anh Hùng, và cho rằng việc này ảnh hưởng đến cả cộng đồng các nhà phát triển tại Việt Nam. Thậm chí, có người kêu gọi bỏ tù người viết ứng dụng nói trên vì làm ảnh hưởng đến uy tín đất nước, ngang với việc phá hoại nhà nước.

Hầu hết mọi người lên án việc làm của người được để tên Ngan Vo Thi Thuy, tuy nhiên vẫn có ý kiến cho rằng ứng dụng nói trên có thực sự vi phạm các quy định của Apple hay không, việc người đó kiếm tiền từ kẽ hở của Apple là không sai. Thậm chí có ý kiến cho rằng Apple đã làm ngơ để lấy doanh thu, hoặc do sơ hở, thì là lỗi của hãng này.

Trả lời các ý kiến trên, anh Trần Việt Hùng lý luận rằng, nếu là một người làm sản phẩm chân chính thì việc đầu tiên là nghĩ tới người dùng.

“Nếu anh là người dùng của những app này và bị mất rất nhiều tiền qua các thủ thuật mà họ sử dụng thì anh sẽ cảm thấy thế nào?”, anh Hùng đặt vấn đề, và cho rằng những người làm app dạng này còn độc ác hơn những kẻ xấu đặt chông để bẫy xe. Ngoài ra, trong thế giới kết nối hiện nay tiếng lành hay tiếng dữ đều được lan truyền với tốc độ chóng mặt và những người thế này sẽ làm mất uy tín cho cả một cộng đồng, thậm chí là quốc gia, anh Hùng phân tích.

Anh cũng cho rằng, kể cả Apple có khe hở trong việc xét duyệt ứng dụng thì cũng “không phải thấy nhà người ta mở cửa thì mình có quyền vào lấy tài sản”.

Trong số các ý kiến cho rằng Apple phải chịu trách nhiệm trong khâu xét duyệt ứng dụng, ông Nguyễn Thành Nam – Cựu tổng giám đốc tập đoàn FPT và hiện là Phó chủ tịch HĐQT Trường đại học FPT – cũng đồng tình rằng có sự “đồng lõa” của Apple trong việc cho ứng dụng nói trên xuất hiện lên kho App Store.

Trả lời việc này, người dùng có tên Dong Nguyen – chính là Nguyễn Hà Đông, người nổi tiếng với ứng dụng Flappy Birds* – cho rằng Apple không hề cố tình để các ứng dụng như vậy trong kho phần mềm của mình.

Anh Nguyễn Hà Đông cho rằng việc ứng dụng lách được các khâu kiểm duyệt của Apple “là sáng tạo của "cộng đồng kiếm tiền online" của nước ta”. Anh cho rằng nhiều học sinh sinh viên không được học về quyền sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, anh cho rằng “dân ta” nổi tiếng trong việc tải các video của người khác và đưa lên YouTube để kiếm tiền, và viết các phần mềm bẩn như phần mềm nói trong bài này.

Ông Nguyễn Thành Nam cho rằng không chỉ người Việt mà dân nhiều quốc gia khác cũng đang kiếm tiền bằng cách tương tự. “Động chạm đến dân mình thì mình day dứt thôi. Ngay cả "ăn cắp" dân ta cũng chẳng nhất thế giới”, ông Nam bình luận.

Để chấm dứt những ứng dụng được cho là lừa đảo này, Nguyễn Hà Đông cho rằng chỉ cần báo cáo (report) lên Apple, hãng sẽ “dọn dẹp” sạch sẽ. Tuy nhiên, anh Trần Việt Hùng cho rằng việc report để xóa ứng dụng khỏi kho rất dễ, thứ khó hơn là phổ biến tác hại của việc làm này để có tác dụng giáo dục, tránh ảnh hưởng đến cả nền lập trình nước nhà.

Anh Đặng Minh Tuấn, sáng lập và giáo viên trang hoctudau.com, cho rằng người Việt nổi tiếng với những cách làm tương tự, như chôm video và tải lên YouTube kiếm tiền, hay ăn cắp tài khoản ngân hàng chùa rồi tìm cách rút tiền. Việc này ảnh hưởng đến những người muốn làm ăn đàng hoàng.

“Cái ảnh hưởng đầu tiên là làm tăng ham muốn làm không đàng hoàng (làm bẩn kiếm tiền nhanh và nhàn hơn), cái tiếp sau là cản đường người làm ăn đàng hoàng (đối tác sợ thương hiệu Việt)”, anh Tuấn viết.

(*Những người có tên trong bài này đều đồng ý để ICTnews dùng tên và ý kiến của họ trên mạng như ý kiến chính thức, riêng anh Nguyễn Hà Đông ICTnews vẫn chưa liên hệ được)

Theo Hải Đăng (Ictnews.vn)

Nổi bật