"Việt Nam đã chậm chân trong việc triển khai dịch vụ 4G. Chính vì vậy, chúng ta phải trở thành một trong những quốc gia đi đầu về triển khai 5G trong thời gian tới.", Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định.
Ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện cho biết: “Hiện nay, người dân Việt Nam mong muốn có thể liên lạc và truy cập nội dung một cách tức thời tại bất kỳ đâu. Khuynh hướng tiên phong về công nghệ 5G không chỉ đáp ứng nhu cầu này mà còn mang lại nhiều lợi ích cho xã hội và ngành viễn thông.”
Trình diễn khả năng kết nối với độ trễ thấp của công nghệ 5G ứng dụng trong việc điều khiển cánh tay robot. Ảnh: Mạnh Hưng |
5G sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành kinh tế quan trọng, đặc biệt là sản xuất và y tế, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và mang đến nhiều cơ hội tốt hơn cho doanh nghiệp. Việc giới thiệu sớm công nghệ 5G giúp cho doanh nghiệp định hình được sự phát triển của công nghệ, để có thể lập kế hoạch và đưa ra các đối sách phù hợp, giảm khoảng cách về công nghệ đối với các doanh nghiệp nước ngoài.
Công nghệ 5G sẽ mang lại cơ hội lớn cho các nhà khai thác viễn thông, những doanh nghiệp sẽ giải quyết vấn đề số hoá ngành công nghiệp này bằng việc ứng dụng công nghệ 5G. Dự báo tiềm năng doanh thu của công nghệ 5G trên toàn cầu là 582 tỷ USD vào năm 2026.
Báo cáo cho thấy, ngành sản xuất năng lượng, dịch vụ công cộng và an toàn xã hội có cơ hội cao nhất để đẩy mạnh và tạo doanh thu nhờ 5G tại Việt Nam.
Theo ông Denis Brunetti - Tổng giám đốc công ty Ericsson Việt Nam và Myanmar, để nắm bắt được tiềm năng thị trường, bên cạnh việc đầu tư vào công nghệ 5G và lập kế hoạch sớm, cần phát triển kinh doanh, các mô hình khả thi với thị trường và sự thích ứng của các tổ chức.
Việt Nam cần nắm bắt để triển khai sớm 5G
Phát biểu tại buổi hội thảo, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho biết, trong những năm vừa qua, thế giới chứng khiến sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin và truyền thông và sự phổ biến mạnh mẽ của công nghệ IoT trong mọi mặt của đời sống. Bên cạnh đó là xu hướng của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đã trải rộng ra khắp thế giới, đến tất cả mọi quốc gia trên toàn cầu.
Để thu được những thành tựu đó, không thể không kể đến sự đột phá và phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin di động băng rộng. Sự phát triển của công nghệ này là nền tảng quan trọng, tác động đến tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là viễn thông, công nghệ thông tin và truyền thông, trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng.
Viễn thông, công nghệ thông tin có sứ mệnh vô cùng quan trọng, đóng vai trò then chốt và là hạ tầng cho cuộc Cách mạng Công nghệ 4.0. Nắm bắt được điều này, các nhà mạng Việt Nam cũng đang đẩy mạnh công tác nghiên cứu các ứng dụng mới theo những xu hướng tất yếu của công nghệ như điện toán đám mây, Internet vạn vật, thành phố thông minh, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo…
Năm 2016, Bộ TT&TT đã chính thức cấp giấy phép triển khai dịch vụ 4G cho các nhà mạng. Việc làm này đánh dấu một bước phát triển mới cho dịch vụ thông tin di động tại Việt Nam. Sau thời gian gần 10 năm phát triển, một vòng đời công nghệ đã dần kết thúc để chuyển sang một vòng đời công nghệ mới. Vòng đời công nghệ mới mang đến nhiều tiện ích hơn cho người sử dụng. Đây cũng là xu thế tất yếu cho sự phát triển của công nghệ ngày nay.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Mạnh Hưng |
Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ hiện nay, có thể nhận định rằng vào khoảng năm 2020, công nghệ 5G sẽ dần được đưa vào triển khai thực tế. Trên cơ sở đó, Bộ TT&TT đánh giá cao việc Cục tần số vô tuyến điện đã chủ động, tích cực phối hợp với công ty Ericsson Việt Nam tổ chức buổi hội thảo và trình diễn công nghệ 5G. Đây là bước đi kỳ vọng để Việt Nam có thể kịp nắm bắt công nghệ 5G.
Khi triển khai 2G Việt Nam là một trong những nước đi đầu. Khi triển khai 3G, chúng ta bị tụt lùi khi đi vào top những nước ở giữa, đến 4G chúng ta đã đi sau. Chính vì vậy, chúng ta phải kịp thời nắm bắt 5G để trở thành một trong những quốc gia đi đầu để triển khai 5G trong thời gian tới.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn trải nghiệm ứng dụng của kết nối 5G trong công nghệ thực tế ảo. Ảnh: Mạnh Hưng. |
Việc cung cấp, hỗ trợ truy cập di động băng rộng với tốc độ cao ngoài mục tiêu phát triển thông tin di động còn hướng tới việc thúc đẩy sự phát triển của IT trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.
Hiện nay rất nhiều tỉnh thành phố ở Việt Nam quan tâm đến việc xây dựng thành phố thông minh. Bên cạnh đó là nhiều lĩnh vực khác như quản lý giao thông thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh và đặc biệt trong việc sản xuất công nghiệp và dịch vụ trong kỷ nguyên của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây cũng chính là nội dung mà Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhắc nhở, chỉ đạo tất cả các bộ ngành quan tâm triển khai thực hiện.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn thử điều khiển cánh tay robot thông qua cảm biến ứng dụng công nghệ kết nối 5G. Ảnh: Mạnh Hưng |
Tuy nhiên, để có thể thúc đẩy sự phát triển của IT trong cuộc cách mạng này thì một số yếu tố quan trọng cần phải đảm bảo đó là kết nối với độ tin cậy cao, mật độ kết nối lớn, độ trễ thấp và độ chính xác cao.
Để có thể đáp ứng các yếu tố này, chúng ta phải đẩy nhanh tốc độ đưa công nghệ 5G đi vào triển khai trong thực tế. Do đó, Bộ TT&TT hy vọng buổi hội thảo này sẽ là nơi để các doanh nghiệp, cơ quan đơn vị có liên quan được cung cấp nhiều hơn nữa các thông tin về công nghệ 5G cũng như các ứng dụng mới nhất của công nghệ này. Từ đó, ta có thể học hỏi để tư vấn, đưa ra các chính sách định hướng, quản lý phù hợp để thúc đẩy sự phát triển của công nghệ 5G tại Việt Nam trong thời gian sớm nhất.
Theo Trọng Đạt (VietNamNet)