Một dịch vụ video trực tuyến ở Bắc Kinh cho biết ứng dụng và website của họ ngừng hoạt động 20 phút mà không có một lời cảnh báo trước.
Báo New York Times cho hay, ngày 3/8, các nhà kiểm duyệt Trung Quốc đã thử nghiệm một giải pháp mới trong việc đóng cửa các website. Họ truy lùng các dịch vụ online chia sẻ hoặc sử dụng nội dung bất hợp pháp. Sau khi tìm ra, họ sẽ yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ Internet gửi khuyến cáo tới khách hàng. Nếu bất hợp tác, nhà cung cấp sẽ ngắt luôn kết nối Internet tới dịch vụ đó chỉ trong vài phút.
Một quán Internet ở Bắc Kinh. Ảnh: NYTimes |
Nhiều năm qua, chính phủ Trung Quốc đã triển khai các biện pháp ngăn người dân tiếp cận, sử dụng những dịch vụ mà họ không ưa, như Facebook, Google. Mới đây, các nhà chức trách lại nhắm đến những công cụ mà lâu nay mọi người vẫn dùng để vượt tường lửa: mạng riêng ảo VPN. Trong khoảng hai tháng qua, nhiều VPN phổ biến ở Trung Quốc đã bất ngờ ngừng hoạt động.
Tuần trước, theo Reuters, Apple đã nhượng bộ Trung Quốc khi âm thầm loại bỏ ứng dụng VPN phổ biến như ExpressVPN, StarVPN... trên kho ứng dụng của họ ở quốc gia này với lý do "nội dung bất hợp pháp".
Bloomberg cũng đưa tin, chính phủ nước này yêu cầu ba nhà mạng lớn là China Mobile, China Telecom và China Unicom triển khai giải pháp để chặn tất cả các VPN cá nhân, bắt đầu từ tháng 2/2018.
Tuy nhiên, báo Shanghaiist dẫn lời Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc bác bỏ thông tin trên và khẳng định chính phủ chỉ cân nhắc dừng hoạt động những mạng VPN trái phép - vốn là công cụ cho những thương vụ bất hợp pháp - mà thôi.
Giới quan sát cũng nhận thấy, thực ra Trung Quốc chưa tung hết sức mạnh trong việc kiểm soát Internet, nên tình trạng "mèo vờn chuột" giữa nhà quản lý và người dùng vẫn diễn ra. Chẳng hạn, trước động thái của Apple cuối tuần qua, người dùng mạng xã hội Trung Quốc vẫn tiếp cận được những công cụ này bằng các đăng ký tài khoản sử dụng kho ứng dụng ở nước khác - nơi ứng dụng VPN không bị cấm.
Các thống kê khác nhau cho thấy có khoảng vài chục triệu tới vài trăm triệu người Trung Quốc đang sử dụng VPN và các phần mềm tương tự để vượt qua hệ thống kiểm duyệt trực tuyến ở nước này, có tên gọi Vạn Lý Tường Lửa (Great Firewall). Tuy nhiên, việc "đi vòng" qua Great Firewall đang ngày càng khó khăn hơn.
Một du học sinh Mỹ về Trung Quốc nghỉ hè cho biết cô không thể sử dụng VPN và phải thử rất nhiều cách mới có thể truy cập được Facebook để giải thích với bạn bè vì sao cô "mất tích" trên mạng xã hội thời gian qua.
Một nghiên cứu sinh về môi trường cho biết việc tra cứu thông tin trở nên khó khăn hơn nhiều khi không có Google dù trường đại học của anh có những giải pháp thay thế. Cuối cùng, anh phải vượt tường lửa, nhưng không tiết lộ bằng cách nào.
"Nếu chính phủ muốn, họ hoàn toàn có thể đánh sập nhiều hệ thống VPN hơn nữa", phát ngôn viên một công ty trực tuyến chia sẻ và từ chối công khai tên do tính chất nhạy cảm. "Nhưng họ chưa làm vậy có thể vì người dùng và nhất là các doanh nghiệp vẫn cần được nới lỏng không gian để hoạt động".
Người dân Trung Quốc cũng đã học cách đối mặt với những khó khăn như thế từ khi còn trẻ. Đầu hè này, công ty Tencent giới hạn người chơi game Honor of Kings từ 12 đến 18 tuổi chỉ được chơi hai tiếng đồng hồ mỗi ngày còn dưới 12 tuổi là một tiếng niooix ngày.
Giải pháp của giới trẻ là tạo ID giả. "Bạn bị giới hạn giờ chơi? Bạn cần chứng minh mình trên 18 tuổi? Không vấn đề gì. Hãy liên lạc để nhận ID với giá rẻ" là một trong nhiều nội dung được quảng cáo trên mạng Trung Quốc.
Theo Minh Minh (VnExpress.net)