Một tổ chức phi lợi nhuận tại Mỹ đang theo sát những án mạng chưa có lời giải của nước này, sử dụng phần mềm phát hiện những xu hướng ẩn giúp dẫn đến tông tích hung thủ.
Được biết đến với cái tên Dự án có thể giải được án mạng, website nguồn mở do cựu phóng viên Thomas K.Hargrove sáng lập sử dụng dữ liệu từ các nguồn liên bang, tiểu bang và dữ liệu của những chính quyền địa phương.
Đến nay, họ đã thu thập chi tiết hơn 600.000 án mạng, được công bố miễn phí trên internet, cho phép mọi người có thể truy cập dữ liệu để tìm hiểu những mối liên kết có thể giữa các vụ chưa phá được.
Để các vụ án không chìm vào quên lãng
Mục đích của dự án là nhằm đảm bảo hàng ngàn vụ án mỗi năm tại Mỹ không chìm vào quên lãng. “Nước Mỹ rất tệ trong khoản theo dõi và kê khai những án mạng chưa có lời giải”, theo website www.murderdata.org.
Theo thống kê của tổ chức trên, mỗi năm có ít nhất 5.000 hung thủ giết người không bị truy bắt. Với tốc độ phá án của giới cảnh sát, thông qua các tin tức bắt giữ trọng phạm qua từng năm, đến nay vẫn còn khoảng 1/3 số vụ chưa tìm được hung thủ. “Kết quả là hơn 222.000 người Mỹ mất mạng mà không được trả lại công lý kể từ năm 1980, cao hơn số liệu tử vong trên chiến trường của binh lính Mỹ tính từ Thế chiến thứ hai đến nay”, website ghi rõ.
Bên cạnh việc liệt kê những vụ án chưa phá, murderdata.org còn cung cấp công cụ cho phép ai cũng có thể phân tích được những xu hướng kết nối nếu có giữa các trường hợp phạm tội.
“Các nhà điều tra án mạng có thể phát hiện website này sẽ hữu ích trong việc thử nghiệm các giả thuyết về những ca giết người xuất hiện trong cộng đồng dân cư mà họ quản lý”, website giải thích. Đặc biệt, dữ liệu về Báo cáo án mạng bổ sung có sẵn tại mục “Tìm kiếm vụ án” sẽ hết sức hữu dụng để kiểm tra nghi vấn về những nghi phạm có thể giết người tại nhiều địa bàn khác nhau, hoặc tại một khu vực trong khoảng thời gian dài.
Thông qua các yêu cầu cung cấp thông tin, tổ chức trên đã thu thập được chi tiết liên quan đến 638.454 án mạng, bao gồm 23.219 vụ không trình báo cho Cục Điều tra liên bang (FBI) từ năm 1980 - 2014, theo Hãng tin Bloomberg. Phóng viên Hargrove, từng làm việc cho Hãng truyền thông Mỹ E.W.Scripps, đã bắt đầu nghiên cứu thuật toán tìm hung thủ vào năm 2008, dựa trên báo cáo của FBI. Đầu tiên, ông nỗ lực tạo ra một hệ thống có thể phát hiện những điểm chung giữa các vụ án để đưa ra cùng một hung thủ. Kế đến, ông thử một thủ thuật khác, đảo nghịch thuật toán và thử nghiệm trên hung thủ giết người hàng loạt nổi tiếng Gary Ridgway, biệt danh “Sát thủ dòng sông xanh”.
Ridgway thú nhận đã giết chết 48 phụ nữ ở khu vực Seattle (Washington, Mỹ) trong 20 năm, theo Bloomberg. Sau khi thử một loạt các tùy chọn phân tích, ông Hargrove khoanh vùng tìm kiếm dựa trên địa lý, tuổi tác, giới tính và phương pháp giết người. Cuối cùng, thuật toán tìm đúng hung thủ trên thực tế là “Sát thủ dòng sông xanh”.
Công cụ này cũng giúp hóa giải 77 ca án mạng ở Los Angeles và 64 vụ giết phụ nữ ở Phoenix, trong đó những vụ ở Los Angeles có liên quan đến một vài tên giết người mà cảnh sát đang truy lùng, bao gồm “sát nhân rìa nam” và “Grim Sleaper”.
Theo Phi Yến (Thanh Niên Online)