Ông Nguyễn Tử Quảng, CEO của Bkav, cho biết, tập đoàn hướng đến những mục tiêu lớn hơn thay vì muốn có lãi ngay khi sản xuất smartphone.
Trả lời cho câu hỏi thứ nhất, ông Nguyễn Tử Quảng cho biết dù có giá "cận cao cấp", Bphone 2017 vẫn được trang bị nhiều tính năng cao cấp như camera 16 megapixel có chống rung quang học, lấy nét theo pha, quay video 4K, tích hợp cảm biến vân tay, chống nước, sử dụng âm thanh DAC riêng... Máy tích hợp tính năng sạc nhanh Quick Charge 3.0 và sử dụng USB Type-C. Sản phẩm chạy hệ điều hành BOS được xây dựng trên nền tảng mới nhất Android 7 Nougat.
Snapdragon 625 không phải chip mạnh nhất của Qualcomm nhưng được sản xuất theo tiến trình 14 nm, tối ưu điện năng, giúp điện thoại hoạt động hơn một ngày và không gặp hiện tượng nóng máy. Điểm hiệu năng thông qua công cụ Antutu của Bphone 2017 đạt khoảng 61.000-62.000, nhỉnh hơn Galaxy A7 2017 (10 triệu đồng) và HTC U play (9 triệu đồng) tuy thấp hơn một chút so với Moto Z2 Play (11 triệu đồng), Galaxy C9 Pro (11,5 triệu đồng).
Bphone 2017 |
Ngay khi mở đầu lễ ra mắt Bphone 2017, người đứng đầu Bkav cũng thừa nhận đã không lường trước được hết những khó khăn khi sản xuất smartphone ở Việt Nam. Một trong những sức ép lớn nhất họ phải đối mặt là việc người sử dụng không tin đây là sản phẩm "made in Vietnam" mà chỉ là "nhập linh kiện Trung Quốc về Việt Nam lắp ráp".
"Vì vậy, tiêu chí của chúng tôi là phải hạn chế tối đa linh kiện Trung Quốc, dù không phải cứ đồ Trung Quốc là kém chất lượng. Bphone 2017 chứa hơn 900 linh kiện từ hàng trăm đối tác nhưng chỉ 0,9% trong số đó đến từ Hong Kong và Trung Quốc như màng loa, motor rung", ông Quảng cho hay. "54% linh kiện là từ Nhật, 23% của Mỹ, còn lại là ở châu Âu và Hàn Quốc".
Thậm chí, Bphone 2015 từng sử dụng màn hình của Sharp, nhưng vì giữa năm 2016, thương hiệu này được bán cho Foxconn (Trung Quốc) nên Bkav đã quyết định chuyển sang dùng màn hình của Hàn Quốc.
Ông Quảng chia sẻ, việc được Qualcomm đồng ý làm đối tác cũng không hề dễ dàng. Năm 2011, khi quyết định thực hiện dự án smartphone, Bkav gặp gỡ đại diện hãng sản xuất vi xử lý của Mỹ đề nghị họ cung cấp chip cho Bphone nhưng không được chấp thuận.
"Không có chip thì không thể làm điện thoại, chúng tôi soạn email gửi cho tất cả các hãng Intel, MediaTek, Freescale... Sau đó, rất may mắn Freescale đã đồng ý cho dùng thử chip của họ, vốn không phải chip mobile. Có nghĩa, chúng tôi phải lấy chip không phải di động để thiết kế mạch cho thiết bị di động. Bkav quyết định làm máy tính bảng trước vì mạch cho tablet lớn hơn, dễ hơn. Sau nhiều lần thất bại và sau ba năm mạch mới hoạt động được, chúng tôi một lần nữa gặp gỡ Qualcomm. Khi thấy sản phẩm thực tế, hãng lúc đó mới mới đồng ý hợp tác", đại diện Bkav kể lại.
Mức giá gần 10 triệu đồng của Bphone 2 được tập đoàn khẳng định là hợp lý và tương đương với các sản phẩm cùng phân khúc, dù hãng "vẫn đang phải bù lỗ" vì mới tham gia thị trường smartphone chưa lâu và chưa có sẵn dây chuyền sản xuất quy mô lớn như nhiều hãng khác. Bkav có thể sản xuất từ 2.000 đến 10.000 điện thoại mỗi tháng tùy nhu cầu của thị trường.
Với câu hỏi vì sao chọn phân khúc cận cao cấp, Bkav cho hay họ mong muốn Việt Nam có một thương hiệu smartphone như Samsung, Apple chứ không phải theo hướng giá rẻ như Xiaomi của Trung Quốc.
"Bphone sẽ có đủ các sản phẩm thuộc phân khúc khác nhau cho các nhóm người tiêu dùng khác nhau. Tuy nhiên, nếu ngay từ đầu chúng tôi tung ra điện thoại giá rẻ, người tiêu dùng sẽ mặc định Bphone là một thương hiệu giá rẻ. Chẳng hạn, Xiaomi đi lên nhờ những smartphone cấu hình cao giá thấp, giờ họ muốn tung ra sản phẩm cao cấp thì sẽ rất khó bán do khó thay đổi quan niệm của người sử dụng về thương hiệu này", Bkav nhấn mạnh.
Bkav cũng đã phát triển phiên bản Bphone 2017 Gold với chip Snapdragon 835 nhưng quyết định sẽ chỉ bán ở thị trường toàn cầu sau khi làm việc với các đối tác do lo ngại mọi người sẽ dồn sự chú ý vào sản phẩm này mà bỏ qua Bphone 2017.
Bphone 2017 chính thức được bán ra thị trường từ ngày 19/8.
Theo Châu An (VnExpress.net)