Trên thực tế, không có điện thoại nào được coi là chống nước. Chúng chỉ có thể chịu một lượng nước nhất định, dưới một áp lực nhất định.
"Nếu bạn có một quả trứng phục sinh bằng nhựa - thứ có thể tách ra làm 2 phần, mọi chuyện sẽ thay đổi hoàn toàn", Havard cho hay. Nước sẽ xâm nhập vào các vị trí ít chống nước nhất - điểm nối giữa lớp vỏ.
iPhone 7, 7 Plus có khả năng chống nước. |
Những chiếc smartphone không chỉ có một điểm nối mà rất nhiều. Mỗi cổng kết nối, nút bấm, loa, mic đều là nơi nước có thể xâm nhập vào. Đó là chưa kể đến điểm tiếp nối cực lớn giữa khung máy và màn hình bằng kính.
Để giải quyết vấn đề này, họ sử dụng một công nghệ cực kỳ đơn giản: keo. Rất nhiều keo. Các nhà sản xuất có thể gọi nó với nhiều tên gọi khác nhau như miếng đệm, con dấu, băng hoặc chất kết dính.
Những lớp keo dày bịt kín phần khung máy tiếp xúc với màn hình có tác dụng ngăn nước. |
Chỉ cần mổ bụng bất cứ smartphone chống nước nào, bạn sẽ thấy một chất dính dày bịt kín màn hình và khung máy. Tuy nhiên, keo không giúp chống nước tuyệt đối. Người dùng chắc chắn không muốn thấy có keo chạy ra ở vị trí các nút bấm, cổng kết nối hoặc các chi tiết có thể tháo rời trên điện thoại.
Đó là nơi các miếng đệm cao su phát huy tác dụng. Người dùng sẽ tìm thấy các miếng đệm này xung quanh giắc cắm tai nghe, cổng sạc và khay SIM.
Lớp gioăng màu cam bịt kín nút gạt âm thanh trên chiếc iPhone 7 Plus. |
Với các nút bấm, nhà sản xuất lại sử dụng kỹ thuật hoàn toàn khác: một ít lớp phủ cao su silicone giúp tách biệt hoàn toàn chi tiết vật lý bạn thường bấm với các chi tiết điện tử bên trong.
Nó hơi giống với việc bảo vệ giày của bạn bằng một chiếc túi nilon trước khi đi vào khu vực ướt.
Chống nước nhưng không kín
Tuy nhiên, có một số phần của điện thoại không thể bị che kín. Loa và micrphone cần không khí bởi vì tạo ra sự rung động trong không khí là ngọn nguồn của âm thanh.
Bên cạnh đó, nếu chiếc điện thoại hoàn toàn kín mít, áp lực bên trong nó có thể sẽ không cân bằng với bên ngoài. Áp lực này có thể làm cho các lớp che bị bung ra, khiến nước lọt vào trong.
Ngay cả dưới áp lực nhỏ, nước không thể lọt qua màng loa của chiếc Galaxy Note 7. |
Vậy họ chống nước cho các chi tiết này bằng cách nào?
Khá đơn giản, họ đặt các mắt lưới kích thước cực nhỏ ngay trước loa và micrphone của máy, lợi dụng quy luật về sức căng bề mặt của nước khiến nước "dính vào nhau", thay vì chảy qua.
Để chắc chắn hơn, như trường hợp lưới loa trái của iPhone 7 hay microphone của Galaxy S7. Thay vì chỉ dùng mắt lưới, nhà sản xuất thêm một lớp màng chống thấm (ePTFE) cho phép không khí đi qua để cân bằng áp lực.
Không có smartphone không thấm nước (waterproof)
Vấn đề nằm ở chỗ, không công nghệ nào kể trên có thể chống nước hoàn toàn. Không tồn tại một chiếc smartphone chống thấm nước.
"Với đủ áp lực, nước sẽ xâm nhập (vào thiết bị), vấn đề là áp lực lớn đến đâu", Havard chia sẻ.
Đó là lý do tại sao Apple, Samsung hay Sony cực kỳ kỹ lưỡng trong câu chữ. Họ gọi những chiếc smartphone của mình là "chịu nước" (water resistant) thay vì chống thấm nước (waterproof).
Ngoài ra, smartphone cũng gặp vấn đề với nước có thêm hóa chất, chẳng hạn muối.
Sony từng tự hào quảng cáo smartphone của họ có thể chụp ảnh dưới nước. Vào năm 2015, họ gặp vấn đề lớn tại Australia khi hàng loạt smartphone Xperia tại thị trường này dừng hoạt động (thậm chí bị rỉ sét) sau khi người dùng đem nó đi bơi.
Khay SIM trên những chiếc smartphone chống nước luôn có thêm lớp gioăng cao su. |
Vấn đề Sony không lường được là các bể bơi tại Australia thường sử dụng nước biển - thứ có thể ăn mòn và phá hỏng lớp chống nước của smartphone.
Sony, ngay sau đó, thay đổi chính sách. Họ khuyến cáo người dùng không nên sử dụng điện thoại dưới nước, đặc biệt tránh xa nước muối. Đó cũng là lý do Apple cho đăng một bản danh sách dài những việc bạn không nên làm với một chiếc điện thoại chống nước.
Khi một công ty nói điện thoại của họ chống nước, đây là ý nghĩa thực sự: chiếc điện thoại có thể chịu đựng một lượng nước nhất định, trong khoảng thời gian nhất định.
Chống nước không nằm trong điều kiện bảo hành
Ngay cả khi công bố những chiếc điện thoại chống nước, không nhà sản xuất nào nhận bảo hành điện thoại bị nước phá hủy. Mỗi nhà sản xuất đều gắn một miếng giấy quỳ nhỏ có khả năng đổi màu khi tiếp xúc với nước. Do đó, họ có thể biết được máy có thực sự bị ngấm nước hay không.
Theo Đức Nam (Zing.vn)