Hạ viện Nga đã nhất trí thông qua một dự luật bắt buộc các nhà cung cấp dịch vụ Internet tại quốc gia này phải ngăn chặn dịch vụ mạng riêng ảo, tức VPN.
Theo ZDNet, luật được ký hôm Chủ nhật, đã được Hạ viện thông qua và sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/11/2017.
Đạo luật này quy định cấm sử dụng mạng riêng ảo (VPN) và các công nghệ khác cho phép mọi người lướt web ẩn danh.
Leonid Levin, người đứng đầu ủy ban chính sách thông tin của Duma, cho biết quy định không nhằm áp đặt những hạn chế đối với người dân tuân thủ luật pháp, nhưng chỉ nhằm ngăn chặn việc tiếp cận với "nội dung bất hợp pháp".
Động thái này xuất hiện sau khi Apple quyết định gỡ bỏ bỏ tất cả những ứng dụng sử dụng VPN trên App Store ở Trung Quốc vào cuối tuần qua.
Trung Quốc từ lâu đã điều hành cơ chế kiểm duyệt trực tuyến tinh vi nhất trên thế giới, được gọi là Great Firewall. Các nhà quản lý nước này cho rằng việc người dân sử dụng VPN có thể tạo ra lỗ hổng phá vỡ sự kiểm soát internet của nhà nước.
Các trang web truyền thông xã hội nổi tiếng như Facebook, Twitter và YouTube đều bị chặn ở nước này. Trong quá khứ, người dùng tại Trung Quốc có thể truy cập vào các trang nói trên tại một khu vực phi thương mại ở Thượng Hải nhưng với những tính năng hết sức hạn chế.
Các dịch vụ bao gồm Microsoft Outlook và Gmail cũng bị cấm.
Đầu năm ngoái, Trung Quốc đã nâng cấp Great Firewall và bắt đầu manh nha thử nghiệm cấm VPN tại nước này. Chính phủ gọi đây là một động thái nhằm thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của Internet ở Trung Quốc.
Hồi đầu tháng này, Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ internet quốc gia, bao gồm China Mobile, China Unicom và China Telecom chặn hoàn toàn các ứng dụng, dịch vụ liên quan đến VPN từ tháng 2/2018.
Quyết định này là hành động theo sau chiến dịch kéo dài 14 tháng của Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc (từ tháng 1) nhằm mục đích ngăn chặn các nền tảng web và dịch vụ "trái phép" mà chính phủ không chấp thuận.
Theo chính phủ Trung Quốc, họ sẽ "làm sạch, chuẩn hóa và thúc đẩy internet phát triển lành mạnh". Chương trình hành động này buộc các nhà cung cấp dịch vụ Internet, nhà cung cấp VPN, trung tâm dữ liệu và các mạng phân phối nội dung phải có giấy phép và sự chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền để quản lý.
Chiến dịch mô tả các VPN như là "các vấn đề kinh doanh xuyên biên giới bất hợp pháp" cần được kiểm soát và họ coi những doanh nghiệp hoạt động ngoài giới hạn cấp phép là vi phạm pháp luật.
Theo Bạch Đằng (Vnreview.vn)