Một số thành viên cho rằng Anonymous cần hành động khôn ngoan và tránh bị tai tiếng là chỉ đưa ra những lời hứa suông.
Sau khi Anonymous tuyên bố sẽ thực hiện cuộc chiến tranh mạng chống lại IS, một Anon (từ chỉ thành viên Anonymous) với bí danh X đã chia sẻ với trang Tech Insider qua e-mail rằng anh ta "không đồng ý và không hỗ trợ" chiến dịch chống lại IS dù vẫn ủng hộ những chiến dịch khác.
Nguyên nhân của việc từ chối tham gia là vì người được hưởng lợi nhất từ bất cứ cuộc tấn công chống lại IS nào luôn là chính phủ Mỹ và các nước NATO, trong khi anh này và các thành viên Anonymous khác lại đang bị họ truy lùng nhiều năm qua.
"Những tổ chức này từ lâu đã xếp Anonymous vào danh sách những nhóm khủng bố quốc tế cùng với IS. Vì thế, chúng tôi đã phải đối phó với NATO và Mỹ suốt thời gian qua", X nói. Thực tế, Bộ Ngoại giao Mỹ có nhiệm vụ thống kê các nhóm khủng bố nước ngoài và Anonymous không có trong danh sách này, nhưng có thể X đang nhắc đến tuyên bố của cựu Giám đốc NSA Keith Alexander từ năm 2012.
"Thật vô lý khi lại hỗ trợ cho kẻ thù của mình - những người đã giam cầm và tra tấn các Anon - trong một cuộc chiến chống lại ác quỷ mà chính họ tạo ra. Nếu Mỹ và châu Âu chấp thuận thả các thành viên Anon và không tấn công chúng tôi nữa, đổi lại chúng tôi sẽ cùng hợp tác chống IS. Cho tới lúc đạt được thoả thuận đó, tôi cho rằng hãy cứ để NATO và Mỹ tự chiến đấu với con quái vật của họ", X bày tỏ.
X là một hacker có thể dễ dàng tra cứu trên Google bằng tên thật, nhưng yêu cầu giấu tên. Anh không phải người duy nhất phản đối chiến dịch của Anonymous.
Những người có cùng quan điểm khác đã lên tiếng trên trang Pastebin, như một Anon có tên Discordian đã dẫn bốn điểm anh chưa đồng ý với chiến dịch OpParis gồm tên gọi của chiến dịch, động lực phía sau chiến dịch, sự chú ý của báo chí và liệu Anonymous có đạt được kết quả như những gì họ đã hứa hẹn. Người này nêu ví dụ, Anonymous đã thực hiện chiến dịch Operation ISIS nhưng chẳng thể làm được gì để ngăn chặn IS cả. Đánh sập hệ thống liên lạc trực tuyến của IS có khi lại phá hỏng manh mối tình báo giá trị mà đáng lẽ nếu duy trì thì các nhà điều tra có thể lần ra những kẻ khủng bố đó.
Những ý kiến này được chia sẻ công khai và nhận được những phản hồi rất văn minh. Backslash, người điều hành tài khoản Twitter mang tên @GroupAnon với 248.000 người theo dõi, cho rằng: "Có lẽ Anonymous cần thảo luận rộng rãi hơn về chủ đề này. Discordian đã đúng khi chỉ ra rằng #OpParis có thể làm ảnh hưởng đến hoạt động tình báo. Chúng ta luôn sẵn sàng hợp tác với các tổ chức tình báo quốc tế nhằm cung cấp những thông tin có được khi thâm nhập vào các hệ thống của các lực lượng thánh chiến. Đừng e ngại hợp tác với chính phủ nếu ta có cùng mục tiêu. Tuy vậy, các Anon cũng nên thận trọng, đừng khinh suất. Hãy lắng nghe Discordian cũng như những thành viên khác và hành động một cách khôn ngoan. Đừng có đưa ra những lời hứa suông".
"Tôi chỉ mong chúng ta luôn đoàn kết", Backslash nhấn mạnh.
Trước đó, tài khoản chính thức của chiến dịch OpParis cũng nêu một trong những lý do họ tiến hành cuộc chiến tranh mạng: họ không muốn Pháp không kích, ném bom Syria để trả thù vụ khủng bố ở Paris, bởi nếu làm vậy, Pháp cũng chẳng khác nào nhóm khủng bố kia là gây đau thương cho những người vô tội.
Tính đến hết ngày 17/11, Anonymous đã đánh sập hơn 5.500 tài khoản Twitter có liên quan đến IS và vẫn đang tiếp tục triển khai chiến dịch, nhưng hiện nhóm này chưa cập nhật con số mới.
>> Nhóm người Việt bị nghi ngờ tấn công webchat của Anonymous
>> Anonymous xem xét tấn công hệ thống PlayStation của IS
>> Anonymous áp dụng cách thức nào tấn công IS?
Theo Châu An (VnExpress.net)