Những ứng dụng giúp mang chức năng đo nhịp tim lên mọi smartphone

28/03/2017 16:00:00

Đo nhịp tim để biết được tim của bạn có đang đập quá nhanh hay quá chậm hay không, từ đó phần nào biết được tình trạng sức khỏe của bản thân và nhờ sự giúp đỡ của bác sĩ nếu cảm thấy cần thiết. 

Đo nhịp tim để biết được tim của bạn có đang đập quá nhanh hay quá chậm hay không, từ đó phần nào biết được tình trạng sức khỏe của bản thân và nhờ sự giúp đỡ của bác sĩ nếu cảm thấy cần thiết. Những ứng dụng miễn phí dưới đây sẽ giúp mang chức năng đo nhịp tim lên smartphone của người dùng.

Những ứng dụng miễn phí với chức năng đo nhịp tim dưới đây (dành cho cả Android lẫn iOS) có cách thức hoạt động và cơ chế hoạt động tương tự cảm biến nhịp tim trên Galaxy S5, giúp người dùng có thể nhanh chóng theo dõi trạng thái đo nhịp tim hiện tại của mình.

Những ứng dụng này thực sự hữu dụng với những ai có vấn đề về bệnh tim mạch, đái tháo đường… và có biện pháp xử lý phù hợp nếu cảm thấy nhịp tim quá cao hoặc quá thấp. Chẳng hạn nếu tự cảm nhận được tim mình bỗng trở nên đập quá nhanh, bạn có thể tự đo nhịp tim bằng smartphone và nếu phát hiện thấy nhịp tim quá nhanh, bạn có thể đến bệnh viện để được kiểm tra thêm.

Lưu ý: những ứng dụng dưới đây tương thích với cả iOS lẫn Android và yêu cầu smartphone phải có đèn flash để có thể sử dụng được.

Instant Heart Rate (tương thích Android 4.0 và iOS 9.0 trở lên)

Cách thức sử dụng ứng dụng này tương tự như cảm biến nhịp tim trên các mẫu smartphone cao cấp của Samsung, người dùng sẽ đặt ngón tay của mình lên ống kính camera của smartphone, khi hoạt động đèn flash trên sản phẩm sẽ được bật sáng để ghi nhận sự thay đổi mao mạch của ngón tay, đồng thời thuật toán trên ứng dụng sẽ tính toán nhịp tim của người dùng dựa trên sự thay đổi của mao mạch ngón tay và đưa ra kết quả.

Sau khi đo xong nhịp tim, ứng dụng sẽ cho phép người dùng ghi chú để lưu lại thông tin của lần đo nhịp tim, chẳng hạn thời điểm đo (lúc mới thức dậy hay sau khi tập thể dục...) và ứng dụng cũng sẽ lưu lại lịch sử những lần đo nhịp tim để đưa ra nhịp tim trung bình, cao nhất và thấp nhất của người dùng.

Download phiên bản miễn phí của ứng dụng dành cho Android tại đây hoặc tại đây và phiên bản dành cho iOS tại đây.

Hướng dẫn sử dụng ứng dụng đo nhịp tim Instant Heart Rate

Heart Beat Rate (tương thích Android 2.2 và iOS 4.3 trở lên)

Cách thức hoạt động và cơ chế đo nhịp tim của ứng dụng Heart Beat Rate cũng tương tự như ứng dụng kể trên. Sau khi cài đặt ứng dụng, bạn đặt ngón tay vào camera của smartphone, sau đó nhấn nút Start trên giao diện chính của ứng dụng để bắt đầu quá trình đo nhịp tim.

Sau khi quá trình đo nhịp tim hoàn tất, ứng dụng sẽ cho phép người dùng lựa chọn trạng thái hiện tại của bạn là đang nghỉ ngơi (Resting) hay đang vận động, tập luyện (Training).

Từ kết quả đo, kết hợp với trạng thái hiện tại của người dùng, ứng dụng sẽ đưa ra lời khuyên cho biết nhịp tim của bạn ở mức bình thường (Normal), cao (High) hoặc quá chậm (Low). Đồng thời ứng dụng cũng đưa ra những lời khuyên cho người dùng thường xuyên kiểm tra nhịp tim, đặc biệt vào thời điểm buổi sáng khi mới thức dậy, vào thời điểm sau khi vận động hoặc sau khi ăn xong...

Heart Beat Rate cũng khuyên người dùng nhờ đến sự giúp đỡ của bác sĩ nếu nhịp tim thường xuyên ở trạng thái quá cao hoặc quá thấp.

Một nhược điểm của Heart Beat Rate đó là phiên bản miễn phí của ứng dụng này không cho phép lưu lại lịch sử kết quả đo, mà muốn sử dụng chức năng này người dùng cần phải bỏ tiền để mua phiên bản chuyên nghiệp của ứng dụng. Tuy nhiên điều này cũng không quá ảnh hưởng đến việc dùng ứng dụng để đo nhịp tim và kiểm soát sức khỏe của mình.

Download ứng dụng miễn phí tại đây hoặc tại đây (dành cho Android) và tại đây (dành cho iOS).

Hướng dẫn sử dụng ứng dụng đo nhịp tim Heart Beat Rate

Một vài lưu ý khi dùng ứng dụng đo nhịp tim

Những ứng dụng kể trên chỉ mang tính chất tham khảo về tình trạng nhịp tim của người dùng. Bạn nên sử dụng đồng thời cả 2 ứng dụng và so sánh kết quả đo của các ứng dụng với nhau để có được kết quả chính xác.

Một vài lưu ý khi sử dụng:

- Bạn nên sử dụng một ngón tay cho cả 2 ứng dụng để dễ dàng so sánh kết quả giữa 2 ứng dụng.

- Không đặt ngón tay quá mạnh lên camera và đèn flash vì điều này sẽ làm ảnh hưởng đến tuần hoàn máu trên ngón tay, dẫn đến kết quả đo không chính xác.

- Ngồi yên và không di chuyển trong quá trình đo vì điều này có thể làm ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng.

- Không đo nhịp tim khi ngón tay đang lạnh vì điều này khiến máu ở ngón tay lưu thông kém, dẫn đến việc đo kết quả không chính xác.

Theo Phạm Thế Quang Huy (Dân Trí)