Là nhà mạng đầu tiên triển khai việc chụp ảnh chân dung thuê bao, nhưng sau khi nhận thấy sự bức xúc của khách hàng, Vinaphone cho biết sẽ đề xuất điều chỉnh việc thực hiện hợp lý hơn.
Chụp ảnh chân dung thuê bao hòa mạng mới tại một cửa hàng của Vinaphone. - Ảnh: Tự Trung |
Trao đổi với PV ngày 20-6, đại diện Vinaphone cho biết: “Qua việc triển khai quy định chụp ảnh khách hàng đối với thuê bao hoà mạng mới trong thời gian qua, VinaPhone nhận thấy việc chụp ảnh gây khá nhiều bức xúc cho khách hàng và đa số khách hàng đều không hợp tác.
Do vậy, VinaPhone đề xuất các cơ quan chức năng có thể xem xét lại quy định này để điều chỉnh cho hợp lý hơn”.
Khó hoàn thành kịp quy định
Cụ thể theo nhà mạng này, mặc dù khi triển khai chụp ảnh họ đều có cam kết với khách hàng “tất cả thông tin và hình ảnh của khách hàng sẽ được số hóa và bảo mật trong cơ sở dữ liệu của nhà cung cấp dịch vụ viễn thông theo quy định của nghị định 49”.
Tuy nhiên trên thực tế, đa số các khách hàng tỏ ra rất bức xúc và không ủng hộ việc chụp ảnh khách hàng khi thực hiện đăng ký SIM di động.
Đa số khách hàng đều từ chối cho nhân viên VNPT chụp ảnh và nhiều khách hàng vì lý do chụp ảnh đã không tiếp tục mua SIM và đăng ký thông tin thuê bao.
Bên cạnh đó, theo thống kê của Cục viễn thông, Bộ thông tin truyền thông, tổng thuê bao di động đang hoạt động tính đến tháng 3-2017 là 119,77 triệu.
Cứ cho rằng mỗi người dùng đang sở hữu 2 SIM cùng một mạng (hoặc đứng tên giúp cho người thân) thì số thuê bao phải đi chụp ảnh chân dung là gần 60 triệu người. Thời gian từ nay đến khi hoàn thiện dữ liệu thuê bao theo nghị định 49 chỉ còn hơn 10 tháng (làm tròn khoảng 300 ngày).
Như vậy để thực hiện đúng quy định, mỗi ngày các nhà mạng phải chụp ảnh chân dung cho: 60.000.000 : 300 = 200.000 người từ nay đến thời điểm 24-4-2017. H
oàn thành con số này mỗi ngày sẽ thật sự là thách thức không nhỏ đối với các nhà mạng. Đó là chưa tính hai nhà mạng có lượng thuê bao rất lớn là MobiFone và Viettel dự kiến đến sau 24-7 mới tiến hành.
Với 25 triệu thuê bao di động, đại diện Vinaphone cho biết: “Thời gian một năm (từ 24-4-2017 đến 24-4-2018, tính từ thời điểm này là chỉ còn 10 tháng) là rất khó hoàn thành vì số lượng thuê bao và dữ liệu phải cập nhật lại rất lớn”.
Đề xuất cập nhật online
Để hoàn thiện thông tin thuê bao của các khách hàng hiện có, đại diện nhà mạng Vinaphone tiết lộ họ “đang phát triển các công cụ cập nhật ảnh, có phương án cập nhật ảnh thuận tiện cho khách hàng như tổ chức các đợt bán hàng và cập nhật thông tin thuê bao tập trung tại từng địa bàn, phát triển các ứng dụng phục vụ cập nhật ảnh online thuận tiện cho nhân viên kinh doanh và khách hàng”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, mặc dù khá đông đảo người dùng cho rằng việc chụp ảnh chân dung thuê bao là không cần thiết, tuy nhiên, cũng có người có cái nhìn ngược lại.
Ông Huỳnh Thanh Phi, giám đốc Công ty Nụ Cười Duyên (TP.HCM) cho rằng việc cung cấp thêm ảnh chân dung nhằm bổ sung và hoàn thiện hồ sơ quản lý khách hàng là việc cần thiết.
“Cần phân biệt giữa hình ảnh đại diện của khách hàng và hình chân dung của khách hàng trên chứng minh nhân dân. Khi bạn tiến hành một giao dịch viễn thông cũng quan trọng như một giao dịch ngân hàng. Đại diện doanh nghiệp hoặc giao dịch viên sẽ tiến hành đối soát hình ảnh đại diện, ảnh trên chứng minh nhân dân và trình diện thực tế.
Khi ba hình ảnh này cùng đại diện cho một khách hàng khi đó mới công nhận xác thực thành công và tiến hành các giao dịch. Hiện tại các giao dịch ngân hàng hoặc các tài khoản khác đều có đăng ký xác thực qua số điện thoại. Do vậy, bảo mật cho số điện thoại cũng quan trọng không kém bảo mật cho các tài khoản đó”, ông Phi cho biết.
Theo Đức Thiện (Tuổi Trẻ)