Nguy cơ bị cài phần mềm gián điệp máy tính Lenovo ở Việt Nam?

03/01/2016 09:45:16

Một số dòng máy tính của hãng Lenovo bị cho là được cài sẵn phần mềm có tên Lenovo Services Engine - hội đủ các đặc tính của một phần mềm gián điệp.

Một số dòng máy tính của hãng Lenovo bị cho là được cài sẵn phần mềm có tên Lenovo Services Engine - hội đủ các đặc tính của một phần mềm gián điệp.

Theo đó, phần mềm này là một đoạn mã độc nằm trong chính phần sụn (firmware) của thiết bị. Trong lần kết nối Internet đầu tiên, LSE sẽ tự động tải về máy tính một phần mềm khác có tên OneKey Optimizer. Vì LSE tồn tại ở cấp độ firmware, người dùng không thể xoá bỏ phần mềm này, thậm chí cả khi cài đặt lại hệ điều hành.
 

Một trong những laptop Lenovo có cài sẵn phần mềm Lenovo Services Engine (LSE). Ảnh: Windows Central.

 
Theo các chuyên gia, nếu những hành vi trên là đúng, LSE có thể hội đủ các đặc tính của một phần mềm gián điệp. Công cụ này có khả năng hoạt động ngầm ngay từ giai đoạn khởi động máy tính và can thiệp sâu vào các tập tin hệ thống mặc định của hệ điều hành Windows, lấy quyền cao nhất và thực hiện các thay đổi quan trọng, tự động tải về nhiều tập tin, phần mềm theo chỉ định của Lenovo, trong khi toàn bộ các hoạt động này nằm ngoài khả năng nhận biết và cho phép hay từ chối từ phía người dùng.

Zing.vn đã liên hệ với cơ quan có thẩm quyền, tuy nhiên, hiện chưa có phản hồi đối với các thông tin trong văn bản lan truyền trên mạng xã hội.

LSE đã bị quốc tế phát hiện từ nhiều tháng trước

Thông tin laptop Lenovo cài sẵn ứng dụng có hành vi giống phần mềm gián điệp từng được các trang công nghệ quốc tế cảnh báo trong 8/2015. Đây cũng là lần thứ ba Lenovo bị phát hiện có những phần mềm "mờ ám" được cài đặt sẵn bên trong sản phẩm trước khi bán ra thị trường.

Trên trang The Register của Anh, một bài viết đã phản ánh đầy đủ những nguy cơ bảo mật đến từ các laptop của Lenovo có cài đặt LSE, cũng như cách hãng máy tính lớn nhất thế giới đưa ra nhằm khắc phục sai lầm.

Theo đó, Lenovo đã lợi dụng một tính năng mới trên các bản Windows 8 trở về sau mang tên Microsoft's Windows Platform Binary Table (MWPBT - Bảng mã nhị phân trên nền tảng Windows), cho phép BIOS lưu lại các tập tin thực thi (*.exe) có thể tự chạy trong quá trình khởi động. Mục đích ban đầu của cơ chế này là giúp các hãng máy tính có thể duy trì các phần mềm quan trọng (trình điều khiển, phần mềm mặc định) trên máy tính ngay cả khi cài đặt lại hệ điều hành.

Theo một chuyên gia trong nước, cơ chế trên do Microsoft tạo ra, cho phép các hãng sản xuất máy có thể tự động cập nhật trình điều khiển cho máy mà không cần người dùng phải kích hoạt. Theo đó, Lenovo sử dụng cơ chế này để cài phần mềm quản lý máy tính. Vị này cho rằng, "lỗ hổng trên là của Microsoft, và Lenovo đã tận dụng".

Theo đó, Lenovo là hãng đầu tiên sử dụng cơ chế này để "cấy" phần mềm LSE vào máy tính. Hiện giới bảo mật quốc tế chưa phát hiện trường hợp tương tự nào đến từ các hãng máy tính khác. 

Trước những phản ứng gay gắt từ nhiều thị trường, Lenovo đã phải nhượng bộ và cung cấp bản cập nhật hệ thống dành cho các laptop và máy tính để bàn đã cài sẵn LSE trước đó để hạn chế những nguy cơ về bảo mật cho người dùng.

Tuy nhiên, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc cũng cho rằng, bản thân LSE và OneKey Optimizer là những tiện ích giúp cải thiện hiệu suất và chỉ gửi những thông tin cơ bản về hệ thống, không chứa những thông tin cá nhân của người dùng. Lenovo chỉ thừa nhận LSE có những lỗ hổng bảo mật mà giới tin tặc có thể khai thác cho mục đích xấu. Đây cũng là lý do mà hãng máy tính lớn nhất thế giới quyết định tung ra bản cập nhật. Hay nói cách khác, Lenovo tự cho rằng mình "tình ngay lý gian".

Trả lời chúng tôi, đại diện Lenovo tại Việt Nam xác nhận thông tin trên là đúng. "Các dòng máy hiệu Think hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi sự cố này", vị đại diện trả lời qua email.

Cùng với nhà nghiên cứu bảo mật Schouwenberg (người đầu tiên phát hiện ra LSE), Lenovo và Microsoft cũng phát hiện ra một số cách thức mà chương trình này có thể bị lợi dụng để thực hiện tấn công trên dòng máy tính xách tay Lenovo, bao gồm tấn công tràn bộ đệm và cố gắng kết nối với máy chủ kiểm định của Lenovo. Hãng khuyến khích người dùng nâng cấp BIOS và cam kết các sản phẩm được xuất xưởng gần đây không còn phần mềm Lenovo Services Engine.

Những mẫu máy nào của Lenovo có chứa LSE?

Theo thông tin từ trang chủ của Lenovo, những mẫu máy được cài sẵn LSE phần lớn đều là những model mới ra mắt và chạy Windows 8.

Đối với laptop, danh sách gồm Flex 2 Pro 15, Flex 3 1120/1470/1570, G40-80/G50-80/G50-80 Touch, S41-70/U41-70, S435/M40-35, V3000 , Y40-80, Yoga 3 11 , Yoga 3 14, Z41-70/Z51-70, Z70-80/G70-80.

Đối với máy tính để bàn, Lenovo có khá nhiều model nằm trong diện cần cập nhật như A540/A740, B4030, B5030, B5035, B750, H3000, H3050, H5000, H5050, H5055, Horizon 2 27, Horizon 2e(Yoga Home 500), Horizon 2S, C260, C2005, C2030, C4005, C4030, C5030, X310(A78), X315(B85). Ngoài ra, Lenovo cũng có khoảng 20 mẫu máy tính để bàn khác có chưa LSE nhưng chỉ bán ở thị trường Trung Quốc.
 
>> Hải Phòng đưa khuyến nghị không dùng máy tính do Lenovo sản xuất

Theo Duy Tín (Zing.vn)

Nổi bật