Nhiều trường hợp bo mạch chủ đắt tiền đã phải mang đi bảo hành sau vài ngày gắn VGA tầm trung RX480.
Xin nhấn mạnh lại một lần nữa, VGA tầm trung của AMD có thể gây chết khe cắm PCIe của các mainboard cao cấp. Đã có khá nhiều phản hồi trên các trang mạng về tình trạng nói trên.
Một người dùng đã đăng tải lên diễn đàn của hãng AMD về vấn đề của mình, tiêu đề của bài viết nêu rõ thiệt hại do RX480 gây ra, "Khe cắm PCI-E hỏng vì RX480".
Cụ thể, sau 7 tiếng liên tục trải nghiệm "bom tấn" The Witcher 3 Blood and Wine sử dụng VGA mới tậu là RX480 thì vấn đề xuất hiện, màn hình tối đen và ngay sau đó máy tính cũng dừng hoạt động. Thử restart vài lần nhưng mọi thứ vẫn vậy. Rất may, mainboard mà người dùng xấu số sử dụng lúc đó có thể báo lỗi thông qua màn hình LED nhỏ nằm ở góc của bo mạch chủ, và mã báo lỗi này dẫn anh ta tới vấn đề "Không có VGA".
Tưởng rằng RX480 là nạn nhân, nhưng khi thử lại với chiếc VGA GTX 750Ti cũ, vấn đề vẫn không được giải quyết. Thử lại bằng cách gắn RX480 xuống cổng PCI-E phía dưới thì máy lại có thể hoạt động bình thường.
Như vậy, vấn đề nằm tại khe cắm PCI-E, một trong số chúng đã hỏng, và "tác giá" không phải ai ngoài AMD RX480.
Một trường hợp khác, mọi thứ thậm chí còn tồi tệ hơn, mainboard ASUS SABERTOOTH của nạn nhân thứ 2 không chỉ gặp vấn đề với cổng PCI-E đầu tiên (nơi cắm RX480), mà cả 2 khe PCI-E x16 còn lại cũng không thể tiếp tục hoạt động. Được biết trước đó người dùng này đã tiến hành ép xung RX480 lên mức 1350MHz (mặc định 1080MHz).
Điểm chung của 2 trường hợp nói trên đều sử dụng các sản phẩm mainboard cao cấp, trùng hợp cả 2 đều là một dàn máy với bo mạch (chipset 970) và CPU của AMD. Có lẽ vấn đề này sẽ làm đau đầu ban điều hành của Advanced Micro Devices khi thế hệ VGA Polaris đang được coi là "cứu cánh" cuối cùng của tập đoàn này trong lĩnh vực card đồ họa máy tính.
Nguyên nhân của sự việc
Trước khi ghi nhận những trường hợp hỏng hóc đầu tiên như đã nói, đã có không ít đồn đoán trên nhiều diễn đàn về PC cho rằng AMD RX 480 tiêu thụ nhiều điện hơn so với thông số kỹ thuật mà nhà sản xuất đưa ra.
Khi ra mắt VGA mới của mình, AMD cho biết thông số TDP (Điện năng thiết kế tối đa) là 150W cấp vào thông nguồn phụ 6-pin và chân PCI-E 3.0. Nhưng nhiều người dùng và reviewer đã phản hồi lại về những hiện tượng bất thường khi họ đo được có những lúc điện năng sử dụng lên tới 155 - 160W. Ghi nhận về nhiều trường hợp cả khi ép xung hay chạy với xung nhịp mặc định.
Nguồn phụ 6-pin vốn chỉ có khả năng cung cấp 75watt. |
Và vấn đề xuất hiện từ đó. Trên lý thuyết, nguồn phụ 6-pin có khả năng cung cấp 75W cho VGA, cổng PCI-E 3.0 cũng chỉ có khả năng cấp điện tương tự, 75W. Tưởng rằng TDP 150W là hoàn hảo dành cho RX480, một mức điện năng tiêu thụ khá ấn tượng, đặc biệt khi so với các thế hệ VGA của AMD trước đây.
Nhưng chính việc thiết kế nguồn cấp điện "hơi thiếu" như vậy đã dẫn tới tình trạng không đủ điện áp, và gây hại cho một trong 2 nguồn cấp điện, ở đây là khe cắm PCI-E. Vẫn chưa rõ tại sao chỉ riêng các mainboard đắt tiền là gặp phải vấn đề này, nhưng nhiều khả năng các bo mạch chủ này có một số tiêu chuẩn không tương thích hoàn toàn với RX480 nói riêng, và có thể là toàn bộ thế hệ VGA Polaris tới đây.
AMD vẫn chưa có bất cứ phát ngôn chính thức nào về vấn đề này, cũng như chưa xác nhận hỏng hóc nói trên có nguồn gốc từ RX480. Cho tới thời điểm này, rất khó để nói rằng AMD đã gian lận hay chủ quan khi thiết kế nguồn điện và đưa ra thông số kỹ thuật, nhưng chắc chắn người dùng mong muốn sớm có lời giải thích từ lãnh đạo "đội Đỏ".
Còn đối với những ai đã sớm sở hữu AMD RX480, hãy đảm bảo trong thời gian này bạn không sử dụng các tính năng ép xung thông trên VGA. Ngoài ra, cũng nên thường xuyên theo dõi các thông số của card đồ họa này trong quá trình sử dụng.
Trong khi đó, đối thủ của AMD là NVIDIA khi ra mắt GTX 1070 với TDP cũng là 150W lại trang bị cho VGA này nguồn phụ 8-pin với khả năng cung cấp nguồn điện lên tới 150W cùng với 75W từ PCI-E. |
Theo Dee Tee (Genk.vn/Trí Thức Trẻ)