Quốc hội Mỹ vừa thông qua một nghị quyết gây tranh cãi, cho phép các nhà cung cấp dịch vụ Internet tùy ý thu thập và bán lịch sử tìm kiếm web của người dùng.
Các nhà cung cấp dịch vụ Internet Mỹ hiện chỉ cần chữ ký của Tổng thống Donald Trump là có thể tự do thu thập, chia sẻ và thậm chí bán lịch sử tìm kiếm web của người dùng mà không cần xin phép. Ảnh: Merry Jane |
Hạ viện Mỹ hôm 28/3 đã phê chuẩn nghị quyết đảo ngược một quy định của Ủy ban truyền thông liên bang Mỹ (FCC) dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, vốn đòi hỏi các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) phải có được sự cho phép của người dùng trước khi chia sẻ lịch sử tìm kiếm web của họ với những công ty khác. Quy định này cũng đòi hỏi các ISP phải bảo vệ số dữ liệu đó trước các hacker cũng như thông báo cho khách hàng biết về bất kỳ sự cố rò rỉ thông tin nào.
Nghị quyết trên được Thượng viện Mỹ thông qua đầu tiên hồi tuần trước và hiện chỉ còn chờ Tổng thống Donald Trump ký để chính thức ban hành. Khi đó, các ISP sẽ được quyền thoải mái thu thập, chia sẻ và thậm chí bán lịch sử tìm kiếm web của người dùng mà không cần sự cho phép của họ.
Đây là vấn đề ngày càng trở nên quan trọng, do người Mỹ ngày càng dành nhiều thời gian hơn cho việc lướt web và các hoạt động trực tuyến khác cũng như luôn kè kè bên mình thiết bị kết nối mạng. Các ISP có thể nhìn thấy các trang web bạn viếng thăm, các ứng dụng bạn dùng và biết bạn đang sử dụng chúng trong bao lâu. Tất cả số thông tin này có tính riêng cư cao và hầu hết chúng ta đều muốn giữ bí mật về thói quen đọc của mình.
"Hậu quả của việc thông qua nghị quyết này đã rõ ràng: các nhà cung cấp băng thông rộng như AT&T, Comcast và các công ty khác sẽ có thể bán thông tin cá nhân của bạn cho đối tượng đấu giá cao nhất, không cần sự cho phép của bạn. Sẽ không ai có thể bảo vệ các bạn, ngay cả Ủy ban thương mại liên bang", hạ nghị sĩ Dân chủ Anna Eshoo, đại diện bang California tuyên bố sau khi Hạ viện bỏ phiếu thông qua nghị quyết.
Theo Tuấn Anh (VietNamNet)