Trung Quốc có hẳn một "công xưởng", nơi hàng nghìn chiếc điện thoại được sử dụng để đẩy một ứng dụng lên vị trí cao trên bảng xếp hạng App Store hoặc Google Play.
Trên thực tế, các "click farms" đã xuất hiện từ khá lâu tại Trung Quốc. Tuy nhiên, chúng hoạt động khá âm thầm và rất ít người có cơ hội chiêm ngưỡng tận mắt các hệ thống đồ sộ với cả nghìn chiếc smartphone hoạt động cùng lúc.
Tuy nhiên, một số hình ảnh hiếm hoi về các cơ sở chuyên đẩy top ứng dụng này đã được ghi lại và chia sẻ trên các trang công nghệ như iFeng, Tech Web, CZong News Info, Weibo...
Việc đẩy một ứng dụng lên vị trí cao trên các bảng xếp hạng mang lại nhiều lượt tải thêm cho chúng, bởi hầu hết mọi người đều nghĩ rằng đó là các ứng dụng tốt, thú vị được nhiều người sử dụng. Tuy nhiên, một số nhà phát triển dù có sản phẩm chất lượng thấp cũng muốn "bon chen" lên các vị trí cao này, do đó, họ cần tới các dịch vụ gian lận vị trí.
Có hai cách thông dụng để đẩy một ứng dụng lên vị trí cao. Một là dùng các máy ảo, sử dụng thuật toán riêng để mô phỏng một lượng lớn người dùng tải về trong thời gian ngắn. Cách thứ hai là sử dụng hệ thống hàng trăm, hàng nghìn chiếc điện thoại thật và phần mềm để tự động tải về ứng dụng. Việc làm này tốn công sức, thiết bị hơn nhưng lại mô phỏng gần như hoàn hảo việc tải ứng dụng về máy với các thông số kỹ thuật như thật.
Tùy vào vị trí, thời gian tồn tại dài hay ngắn trên bảng xếp hạng và cả khu vực mà các công ty này đưa ra mức giá riêng cho từng khách hàng. Con số có thể dao động từ 2.000 USD lên tới 16.000 USD cho một vị trí top 10 trên iOS tùy quốc gia. Mức giá cho bảng xếp hạng trên iPad rẻ hơn một chút, bên cạnh đó có cả dịch vụ đẩy tìm kiếm theo từ khóa hay bảng xếp hạng ứng dụng Android.
Việc đẩy vị trí trên App Store được nhiều người lựa chọn và sử dụng bởi cách tính toán của hệ thống Apple có những chuẩn mực và quy tắc nhất định. Còn với ứng dụng Android, việc đẩy top gặp nhiều khó khăn hơn bởi bảng xếp hạng của Google Play có nhiều "quy tắc ngầm", theo chia sẻ của một nhân sự trong nghề.
Cuộc chiến giữa Apple và các nhóm đẩy top ứng dụng bằng cách gian lận này tuy âm thầm nhưng khắc nghiệt. Chia sẻ với ifeng, một nguồn tin thân cạn cho biết các dòng máy điện thoại tại studio cũng phải cập nhật và nâng cấp theo từng đợt, từ iPhone 4 lên 4S và giờ là iPhone 5.
Không chỉ phần cứng mà hệ thống phần mềm, quản lý hệ thống cũng thường xuyên phải thay đổi. Họ phải giải quyết vấn đề IP mạng, vấn đề quản lý hệ thống Apple ID và liên tục nghiên cứu các bản cập nhật iOS để tìm ra các lỗ hổng và thuật toán mới dành cho App Store.
Không chỉ cung ứng dịch vụ cho khách hàng trong nước, nhiều công ty Trung Quốc cũng thường xuyên nhận các đơn hàng quốc tế. Việt Nam cũng là một trong nhiều quốc gia sử dụng dịch vụ đẩy top giả mạo này.
Dù hoạt động ngầm nhưng sự tồn tại của các "Click farms" vẫn thường xuyên bị lôi ra ánh sáng. Không ít các nhóm lớn đã bị cảnh sát điều tra và truy tố. Tuy nhiên, mức lợi nhuận lớn khiến cho không ít người vẫn tiếp tục đầu tư và đi theo con đường này để nhanh chóng kiếm lời.
Theo Mai Anh (VnExpress.net)