"Khai tử" SIM kích hoạt sẵn: Muốn mua bao nhiêu cũng có!

18/11/2016 14:14:00

Tại nhiều đại lý bán SIM ở Hà Nội, các loại sim kích hoạt sẵn vẫn được bày bán tràn lan, bất chấp việc Bộ TT&TT quyết liệt chỉ đạo các nhà mạng xử lý dứt điểm tình trạng sim rác, sim kích hoạt trước tràn lan, mất kiểm soát.

Tại nhiều đại lý bán SIM ở Hà Nội, các loại sim kích hoạt sẵn vẫn được bày bán tràn lan, bất chấp việc Bộ TT&TT quyết liệt chỉ đạo các nhà mạng xử lý dứt điểm tình trạng sim rác, sim kích hoạt trước tràn lan, mất kiểm soát.

Năm nhà mạng lớn bao gồm: Viettel, Vinaphone, MobiFone, Vietnamobile và GTel đã ký cam kết với Bộ Thông tin và Truyền thông về việc thu hồi sim kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối bắt đầu từ ngày 1.11.2016. Thế nhưng, trái với quy định, theo khảo sát của PV tại nhiều đại lý bán sim ở Hà Nội như phố: Kim Mã, Nguyễn Trãi, Lê Duẩn… việc mua bán sim kích hoạt trước vẫn diễn ra bình thường, khá sôi động.

Các loại sim trả trước gồm cả loại 10 và 11 số mà người dùng dễ dàng mua được với giá chỉ vài chục nghìn đồng nhưng lại có tài khoản lên đến hàng trăm nghìn đồng mà không phải đăng ký bất cứ thông tin cá nhân nào.

Tại một đại lý bán SIM ở Kim Mã (Hà Nội), khi được hỏi về loại sim kích hoạt sẵn, người chủ cửa hàng đưa ra cả một tập danh bạ và hàng cọc KIT SIM có dán số thuê bao, với các loại số thuê bao xấu, đẹp cho khách lựa chọn. Theo người bán hàng, chỉ cần bỏ ra 90.000 đồng, khách có thể sở hữu 1 SIM 11 số bất kỳ (thường là số xấu và được gọi là SIM rác) của nhà mạng Viettel với tài khoản khuyến mại lên tới 170.000 đồng, SIM VinaPhone là 70.000 đồng tương ứng với tài khoản khuyến mại là 100.000 đồng, SIM Mobifone là 80.000 đồng và có sẵn tài khoản khuyến mại 125.000 đồng. Với những loại SIM 10 số thì giá cao hơn, giao động từ vài trăm nghìn đến cả chục triệu đồng, phụ thuộc vào độ đẹp xấu của từng dãy số.

Khi được hỏi về việc thu hồi SIM di động kích hoạt sẵn, chủ cửa hàng này cho biết, chưa nhận được bất cứ phàn nàn nào của khách hàng về việc bị khóa sim do không đăng ký thông tin cá nhân: “Trừ khi thuê bao không thực hiện các cuộc giao dịch thông thường, còn nếu em vẫn nhắn tin, gọi điện, nạp thẻ… thì không bao giờ bị thu hồi cả”, chủ cửa hàng này nói.

Tương tự, khi hỏi mua SIM kích hoạt sẵn tại nhiều điểm bán khác nhau, việc mua bán diễn ra khá dễ dàng, chóng vánh. Một chủ cửa hàng tại phố Xuân La (Hà Nội) còn cho biết, không chỉ mua một sim mà muốn mua bao nhiêu sim kích hoạt sẵn cũng đều có thể đáp ứng. Người này cũng tỏ ra không mấy lo lắng và quan tâm về chủ trương thu hồi này: “Tất cả các SIM ở đây đều được lấy trong kho của nhà mạng, có thỏa thuận mua bán đàng hoàng. Tôi có phạm luật gì đâu mà cấm. Việc kích hoạt sẵn chẳng qua là để đảm bảo điều kiện lưu thông trên thị trường mà nhà mạng đã quy định trước đó thôi”, chủ cửa hàng này giải thích.

Mua thử một SIM trả trước của Viettel với giá 90.000 đồng, PV thử nhắn tin tra cứu số tiền còn lại trong tài khoản thì tin nhắn trả về máy cho biết sim có 170.000 đồng trong tài khoản chính và 9GB Data dữ liệu 3G miễn phí. Thông tin chủ thuê bao là một người có hộ khẩu thường trú tại Hưng Yên, sinh năm 1991.

Thu hồi SIM kích hoạt sẵn: nhà mạng chậm vào cuộc

 Nhiều đại lý sim ở Hà Nội cho biết họ vẫn chưa nhận được thông báo chính thức từ các nhà mạng về thời gian thu hồi SIM kích hoạt trước
Nhiều đại lý sim ở Hà Nội cho biết họ vẫn chưa nhận được thông báo chính thức từ các nhà mạng về thời gian thu hồi SIM kích hoạt trước

Thực tế, theo các chủ cửa hàng bán SIM, dù chủ trương thu hồi SIM kích hoạt trước đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng cho đến thời điểm này họ vẫn chưa nhận được bất cứ văn bản hay thông báo chính thức nào từ phía các nhà mạng hay đại lý cấp cao hơn. Việc mua bán các loại SIM này trên thị trường vì thế vẫn diễn ra bình thường. Các chủ cửa hàng này cũng thừa nhận, nếu quy định thu hồi SIM kích hoạt sẵn được thực hiện và siết chặt thì các đại lý sẽ bị giảm 1 nguồn thu đáng kể. “Các loại SIM này gói cước rẻ, khuyến mại lớn nên nhiều người sử dụng, nếu cấm bán sẽ gây thiệt hại rất lớn”, một chủ cửa hàng ở đường Xuân La (Tây Hồ - Hà Nội) nói.

Anh H., chủ một cửa hàng SIM tại phố Kim Mã cũng tỏ ra lo lắng và cho biết, hiện tại kho SIM kích hoạt sẵn của cửa hàng anh hàng lên tới hàng nghìn sim, nếu bị thu hồi thiệt hại không hề nhỏ. Thời gian mà các nhà mạng cam kết sẽ “khai tử” loại SIM này theo anh H. biết được qua báo đài là quá gấp gáp và khiến các đại lý như anh không kịp “trở tay”: “Thời điểm năm 2013, khi nhập kho SIM ở nhà mạng, họ nói phải kích hoạt mới được coi là hợp lệ, giờ lại quy định là không được kích hoạt. Chúng tôi bỏ tiền ra mua SIM nên các nhà mạng cần phải có cơ chế, biện pháp cụ thể để giảm thiệt hại nếu muốn thu hồi. Một là có cơ chế nào đó để cho chúng tôi thời gian để thanh lý hết số SIM đã mua về, hai là có cơ chế đền bù bằng tiền hoặc đổi sang một loại SIM khác phù hợp hơn”, anh H. nói.

Đại lý "méo mặt" trước ngày khai tử sim "rác"

Trong khi đó, nhiều khách hàng đang sử dụng loại SIM kích hoạt trước này cũng tỏ ra băn khoăn, lo lắng không kém. Anh Nguyễn Trung Kiên (34 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, vì tính chất công việc nên anh thường sử dụng loại SIM kích hoạt trước cho rẻ. Hiện tại, anh Kiên cũng chưa nhận được thông báo của nhà mạng về thời gian tiến hành thu hồi hoặc hủy các loại SIM mà mình đang sử dụng: “Khi mua tôi chỉ xác định dùng một thời gian nên không đăng ký thông tin. Tôi không biết liệu nhà mạng có khóa thuê bao của tôi hay không vì không nhận được thông báo nào. Dù chỉ là số phụ nhưng tôi vẫn liên lạc với một vài đối tác qua đây, nếu SIM bị khóa đột ngột chắc chắn công việc sẽ bị ảnh hưởng rồi”, anh Kiên nói.

Trước đó, như đã thông tin, 5 nhà mạng bao gồm: Viettel, VNPT, MobiFone, GTel Mobile và Vietnamobile đã cùng nhau ký cam kết với Bộ TT&TT về việc thu hồi SIM kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối. Nội dung quan trọng nhất của bản cam kết này chính là việc 5 doanh nghiệp viễn thông sẽ cùng thu hồi toàn bộ các SIM đã được kích hoạt, ước tính lên đến hàng triệu SIM và xử lý đối với những SIM chưa đăng ký thông tin theo đúng quy định. Về cơ bản, đây đều là các SIM mà đại lý găm giữ để đầu cơ đối với các số đẹp và với SIM rác thì là công cụ chủ lực mà những kẻ chuyên phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo sử dụng để "dội bom" SMS đến thuê bao người dùng. Thậm chí, theo cơ quan công an, nhiều đối tương đã mua những SIM này để gửi tin nhắn nặc danh tống tiền, gây rối trật tự trị an, nghiêm trọng hơn là để thực hiện hành vi phạm tội... Đây chính là lý do mà Chính phủ và Bộ TT&TT quyết tâm siết chặt công tác quản lý thuê bao di động trả trước.

Theo Hà Trang (Dân Trí)

Nổi bật