Hơn 1.900 máy tính tại Việt Nam lây nhiễm, thế giới thiệt hại 4 tỷ USD vì WannaCry

17/05/2017 06:46:00

Chiều 16/5, thống kê từ Hệ thống giám sát virus của Bkav cho thấy, tại Việt Nam đã có hơn 1.900 máy tính bị lây nhiễm mã độc tống tiền WannaCry. Trong đó, khoảng 1.600 máy tính được ghi nhận tại 243 cơ quan, doanh nghiệp và khoảng 300 máy tính là của người sử dụng cá nhân.

Chiều 16/5, thống kê từ Hệ thống giám sát virus của Bkav cho thấy, tại Việt Nam đã có hơn 1.900 máy tính bị lây nhiễm mã độc tống tiền WannaCry. Trong đó, khoảng 1.600 máy tính được ghi nhận tại 243 cơ quan, doanh nghiệp và khoảng 300 máy tính là của người sử dụng cá nhân.

 Số nạn nhân nhiễm mã độc WannaCry vẫn còn tiếp tục tăng.

Theo thông tin từ Bkav, tại thời điểm này mã độc không bùng nổ ở Việt Nam. Tuy nhiên, với 52% máy tính tại Việt Nam, tức là khoảng 4 triệu máy chưa được vá lỗ hổng EternalBlue, các máy này có thể bị nhiễm WannaCry bất cứ lúc nào nếu hacker mở rộng việc tấn công.

Cũng theo Bkav, việc phát tán mã độc mã hóa tống tiền WannaCry chỉ là bề nổi của “tảng băng chìm”. Ông Vũ Ngọc Sơn, Phó chủ tịch phụ trách mảng Chống mã độc (Anti Malware) của công ty này phân tích: “Chúng ta không nên quên Cơ quan an ninh Mỹ NSA được cho là đã sử dụng lỗ hổng này để do thám. Do đó, không loại trừ khả năng cơ quan gián điệp của một quốc gia khác cũng âm thầm khai thác lỗ hổng này, cài đặt phần mềm gián điệp nằm vùng để thực hiện các cuộc tấn công có chủ đích APT”.

Với 4 triệu máy tính có lỗ hổng tại Việt Nam, việc bị cài đặt phần mềm gián điệp để tấn công có chủ đích sẽ nguy hiểm hơn nhiều, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ đối với an ninh quốc gia. Nguy cơ này không thể nhận biết rõ như mã độc mã hóa tống tiền. “Việt Nam cần ngay lập tức có chiến dịch vá lỗ hổng này”, ông Vũ Ngọc Sơn nhấn mạnh.

Cuộc tấn công làm rúng động cả thế giới của loại mã độc tống tiền này được dự đoán là gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế và tài chính toàn cầu. Với việc làm tê liệt hơn 200.000 máy tính ở 150 nước trên thế giới có thể làm thiệt hại tới 4 tỷ USD, theo ước tính của công ty Cyence chuyên đánh giá rủi ro từ tấn công mạng. Tuy nhiên, những con số này chỉ có thể mang tính chất ước lượng. Theo các tổ chức khác thì cho rằng thiệt hại khoảng hàng trăm triệu USD. Cuộc tấn công này đã đánh dấu năm 2017 trở thành năm chịu thiệt hại nặng nề nhất vì mã độc tống tiền. Năm 2016, chiêu thức tương tự này gây thiệt hại 1,5 tỷ USD.

Theo Khôi Linh (Dân Trí)

Nổi bật