Hé lộ nguyên nhân hàng loạt fanpage tại Việt Nam "biến mất"?

21/03/2017 10:04:00

Nguyên nhân một số fanpage tại Việt Nam bị đóng cửa trong vài ngày qua có thể do vi phạm bản quyền, spam hoặc bị mất quyền admin vì không áp dụng bảo mật an toàn.

Nguyên nhân một số fanpage tại Việt Nam bị đóng cửa trong vài ngày qua có thể do vi phạm bản quyền, spam hoặc bị mất quyền admin vì không áp dụng bảo mật an toàn.
 

Như tin chúng tôi đã đưa, ngay từ sáng ngày 18/3/2017, hàng loạt fanpage lớn của cộng đồng người dùng Facebook Việt Nam đã không thể truy cập được.

Có thể kể đến hàng loạt cái tên có lượng like từ hàng trăm nghìn cho tới hàng triệu như Chip Đường Phố, Kenny Sang, Câu Chuyện Cuộc Sống, Góc Ẩm Thực, Viet Designer, Truyện Tranh Nhảm Nhí, WeLax… Thậm chí, ngay cả fanpage của ứng dụng tìm hàng quán Foody.vn với hơn 3 triệu like cũng bị khóa.

Diễn biến mới nhất này tiếp nối sự ra đi của hàng loạt fanpage lớn khác ngay từ đầu năm 2017 của những người nổi tiếng như Giang Popper (2,7 triệu like), Nghe Gì Coi Gì (1,1 triệu like)… càng khiến cho cộng đồng dùng mạng xã hội, đặc biệt là giới làm marketing hoang mang khi có không ít fanpage đã được đầu tư không ít tiền để chạy quảng cáo trên Facebook.

Liên quan đến vấn đề này, theo chia sẻ của thành viên William Nguyen trong group Facebook "Cộng đồng nhà quảng cáo trên Facebook tại Việt Nam", nguyên nhân có thể do fanpage đã vi phạm bản quyền.

“Khi chúng ta càng ngày càng hội nhập với thế giới thì việc chấp hành luật sở hữu trí tuệ là điều tất yếu. Không chỉ là video từ các kênh thời sự, giải trí, thể thao... mà còn là các nội dung do các trang hay doanh nghiệp khác làm ra. Muốn mượn nội dung trên trang khác? Hãy share lại bài gốc của họ, hoặc xin phép trực tiếp”, admin nhóm Facebook này cho hay.

Cũng theo William Nguyen, gần đây Facebook có hình thức video kèm link, khi bấm vào video, video sẽ tiếp tục phát ở trên và bên dưới sẽ tải một website.

Trong khi hình thức này còn đang ở dạng thử nghiệm công khai thì rất nhiều trang đã lợi dụng để spam bằng cách đưa ra nội dung video viral (thúc đẩy lan truyền nội dung video tiếp thị) phía trên kèm một trang spam quảng cáo hay tệ hơn là scam (lừa đảo) bên dưới.

Điều này đã vi phạm nguyên tắc cộng đồng của Facebook. Cách phòng tránh đơn giản là không làm như vậy. Nếu các bạn có tính năng này, hãy chỉ dẫn về trang web của công ty hay tổ chức của bạn.

Bên cạnh đó, một số không ít trang fanpage lần này bị mất do admin của trang không áp dụng các biện pháp an toàn cẩn thận như bảo mật 2 lớp hay đưa trang/tài khoản quảng cáo vào business manager (trình quản lý doanh nghiệp) - dẫn tới trang bị hack và hacker đã huỷ đăng trang.

“Hãy đảm bảo là trang của các bạn được áp dụng các tính năng bảo mật cần thiết cho tất cả các thành viên, từ admin tới nhân viên”, William Nguyen nói, đồng thời nhấn mạnh nếu tự tin fanpage của mình không vi phạm một chính sách nào như đề cập ở trên, hoặc nghi ngờ trang đã bị hack, hãy kháng nghị cho Facebook biết và xử lý.

Tuy đây không phải là phát ngôn chính thức từ Facebook, tuy nhiên các trường hợp được thành viên William Nguyen đưa ra cũng là những bài học cảnh tỉnh cho các trang fanpage tại Việt Nam.

Theo nhận định của giới marketing trong nước ngay sau khi một số fanpage "biến mất", nguyên nhân có thể do một số fanpage vi phạm chính sách của mạng xã hội Facebook như sử dụng thủ thuật “cưỡng bức” người dùng like tự động, có lượng like lớn và đột biến trong thời gian ngắn.

Ngoài ra, đó còn là các fanpage vi phạm bản quyền trong việc sử dụng các video, nhạc..., đăng tin giả mạo (fake news), đưa hình ảnh sai lạc, quảng bá nội dung fake... nên bị report.

Theo Phan Minh (Ictnews.vn)

Nổi bật