Nhiều người chụp ảnh tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình trong đêm nhạc "Go Hardwell or go home" khốn khổ vì máy ảnh chết cảm biến. Nguyên nhân được cho là đèn laser từ sân khấu.
Một kỹ thuật viên sửa chữa máy ảnh nhận đặt hàng cảm biến mới cho những máy ảnh bị hỏng sau đêm diễn tại Mỹ Đình, Hà Nội. |
Theo anh T., sân khấu của chương trình có lắp đèn laser chiếu xuống khu vực khán đài, nên những máy ảnh đang chụp và bị tia laser quét trúng có thể gây hỏng cảm biến. Số lượng máy ảnh "chết" cảm biến ở Mỹ Đình đêm 20/5 có thể nhiều hơn, bởi anh chỉ là một trong những người sửa máy ảnh ở Hà Nội.
Thực tế, tác hại của đèn laser đã được nhiều trang công nghệ và các hãng máy ảnh cảnh báo từ lâu. Tương tự như mắt người, cảm biến của máy ảnh cũng có bề mặt nhạy cảm như võng mạc, dễ bị tổn thương bởi các tia nóng như laser.
Theo Hiệp hội Laser trình chiếu Quốc tế (ILDA), những chương trình nhạc hội có sử dụng đèn laser thường phải đảm bảo ánh sáng đạt chuẩn an toàn quốc tế như IEC 60825 và ANSI Z136, trong đó quy định rõ chỉ số MPE (Maximum Permissible Exposure).
Chiếc máy ảnh cao cấp quay video bị dính đèn laser, khiến cảm biến xuất hiện vết sọc ngang, gồm nhiều điểm chết nhỏ. |
Những chương trình được thực hiện dưới mức MPE quy định sẽ an toàn cho mắt người, nhưng không đảm bảo an toàn cho máy ảnh và máy quay phim. Tia laser cường độ thấp hơn chuẩn MPE vẫn có thể làm hỏng cảm biến CCD lẫn CMOS. Trường hợp nhẹ, máy có vài điểm chết trên cảm biến. Nếu bị nặng, cảm biến có thể bị hỏng hoàn toàn và phải thay mới với giá hàng trăm USD tuỳ mẫu.
Ngoài đèn laser, giới chơi ảnh tại Việt Nam từ lâu đã ghi nhận những trường hợp hướng máy ảnh trực tiếp mặt trời và bị cháy cảm biến.
Theo Duy Nguyễn (Tri Thức Trực Tuyến)