Chiều 27-3, đại diện một nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) cho biết do tàu sửa cáp tới chậm, dự kiến tới ngày 5-4, việc sửa chữa tuyến cáp quang biển AAG mới hoàn tất.
Sửa chữa cáp quang biển - Ảnh minh họa |
Sự cố tuyến cáp AAG xảy ra từ ngày 18-2. Trong khi đó, việc sửa chữa tuyến cáp quang biển Liên Á gặp sự cố từ tháng 2 vẫn đang được tiếp tục.
Đơn vị quản lý đã phát hiện ra thêm lỗi ở hướng đi Hong Kong và tới ngày 5-4 mới bắt đầu sửa chữa nhánh cáp này. Lịch trình sửa chữa hiện vẫn chưa được thông báo.
Thông tin từ một nhà cung cấp dịch vụ Internet cho biết, hiện cáp quang biển Liên Á được xác định đồng thời lỗi ở hai nhánh đi Singapore và Hong Kong. Thay vì hoàn tất việc sửa chữa sự cố vào ngày 25-3 như kế hoạch trước đó, việc khôi phục IA nhánh Singapore (S1) sẽ lùi đến ngày 1-4.
Trong khi đó nhánh Hong Kong (S9) và chưa biết thời gian hoàn tất việc khắc phục sự cố.
Tata, đơn vị quản lý phân đoạn Singapore của tuyến cáp IA, cũng thông báo với các nhà cung cấp dịch vụ internet tại Việt Nam kế hoạch sau khi sửa xong lỗi ở nhánh S1, tàu sửa cáp sẽ di chuyển tới nhánh S9 và dự kiến tới ngày 5-4 mới bắt đầu sửa chữa nhánh này.
Tuyến cáp AAG có chiều dài 20.191km, kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ. Tuyến cáp quang này được đưa vào khai thác từ năm 2009, đi qua Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam (nhánh cáp rẽ vào Việt Nam dài 314 km, điểm cập bờ tại Vũng Tàu), Brunei, Hong Kong, Philippines và Hoa Kỳ (Guam, Hawaii và California).
Khi tuyến cáp này bị đứt và sự cố kéo dài trong một thời gian quá lâu, các nhà mạng đã phải sử dụng nhiều biện pháp để hạn chế thiệt hại cho khách hàng do ảnh hưởng đường truyền đi quốc tế qua tuyến cáp quang này.
IA được đưa vào vận hành từ tháng 11-2009 với tổng chiều dài là 6.800km, kết nối Singapore, Việt Nam, Philippines, Hong Kong và Nhật Bản.
Tại Việt Nam, tuyến cáp quang cập bờ tại Vũng Tàu. Hệ thống có tốc độ truyền dữ liệu theo thiết kế là 3,84Tbit/giây với tổng vốn đầu tư ban đầu cho tuyến cáp này là 200 triệu USD.
Theo T.Hà (Tuổi Trẻ)