Đổi cho khách máy đã qua sử dụng?
Thời gian gần đây, chúng tôi liên tục nhận được phản ánh từ người tiêu dùng về thông tin mua sản phẩm bị lỗi tại trung tâm bảo hành FPT trực thuộc Công ty TNHH Dịch vụ tin học FPT (FPT Services).
Cụ thể, chị D.T.T (Thường Tín, Hà Nội) cho hay: Tháng 12/2015, chị đã mua chiếc điện thoại iPhone 6s 64GB tại FPT shop 495A Trương Định (Hà Nội). Song tới 4/5/2016 (đang trong thời gian bảo hành), chị T. phát hiện hiện tượng điện thoại đột nhiên không lên nguồn, không sử dụng được. Mang điện thoại đến kiểm tra tại Trung tâm bảo hành của FPT tại số 4 Yết Kiêu (Hoàn Kiếm, Hà Nội), chị T. nhận được kết luận: Sản phẩm bị lỗi phần cứng, trung tâm sẽ nhận lại máy. Một tuần sau, chị T. được thông báo đến trung tâm để nhận lại 1 máy điện thoại mới. Tuy nhiên, khi tới nơi, chị chỉ được nhân viên giao chiếc Iphone 6s “trần” không có hộp đựng.
“Ngay từ khi về sử dụng chiếc Iphone 6s “trần”, tôi đã thấy màn hình máy rất cũ, tối, pin dùng cũng nhanh hao mặc dù được gọi là máy mới! Hơn nữa ảnh chụp không nét, tối. Quan sát kĩ trên vỏ máy tôi thấy có 1 vệt xước và màu máy không hồng như cái máy ban đầu của tôi”, chị T. phản ánh.
Nghi ngờ chất lượng sản phẩm được đổi, chị T. đã nhờ nhân viên kỹ thuật chuyên cài đặt điện thoại check lại chỉ số pin bằng phần mềm ITOOLS. Kết quả, chỉ số pin điện thoại của chị chỉ được 1690 trong khi máy mới phải là 1746. “Tôi đã đến trung tâm bảo hành của FPT tại số 4 Yết Kiêu để trao đổi những nội dung trên. Một nhân viên ở đây khẳng định rằng máy của tôi là máy mới. Pin họ đã test trên hệ thống và cho ra kết quả chỉ số pin nằm trong ngưỡng an toàn. Tôi thực sự bất bình với kết luận cố tình áp đặt cho máy mới đổi vì chỉ cần so với máy khác, ai cũng nhìn ngay ra màn hình máy của tôi tối hơn. Tôi chỉ mong nhận lại chiếc máy mới đúng với giá trị và số tiền tôi bỏ ra mua”, chị T. bày tỏ.
Khách hàng thất vọng
Cũng liên quan tới chất lượng sản phẩm tại Trung tâm bảo hành FPT, chị V.T.H (Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì, Hà Nội) cho biết: “Khoảng giữa tháng 4 vừa qua chiếc iPad4 của tôi có vấn đề về pin, sạc không vào. Tôi mang máy đến trung tâm bảo hành FPT tại số 4 Yết Kiêu sửa và được nhân viên tại đây báo pin bị chai phải thay mới, lỗi phần cứng phải sửa. Theo đó, giá pin chính hãng là 720.000 đồng và lỗi phần cứng sửa mất 1,1 triệu đồng. Ngoài ra, tôi cũng đã đề cập một số lỗi đề nghị được khắc phục. Một tuần sau trung tâm thông báo tới lấy máy. Tuy nhiên, khi mang máy về nhà sử dụng, tôi phát hiện tình trạng pin vẫn thế, sạc chỉ khoảng 10%, để cả đêm cũng không đầy được, những lỗi khác mà tôi đã đề cập khác đều không được khắc phục.
Thấy vậy, tôi lại mang máy tới trung tâm lần 2 và nhận được thông báo: Pin đã thay mới nhưng bị lỗi nên để máy lại để thay pin khác và bảo hành được 3 tháng. Cũng trong lần này, tôi đã trực tiếp ghi ra khoảng 5 lỗi yêu cầu được khắc phục.
Ngày 12/5, tôi được thông báo tới nhận máy. Rút kinh nghiệm lần trước, tôi đã kiểm tra ngay tại chỗ. Tôi thì rất bực mình khi nhận thấy ngoài lỗi pin những lỗi khác của máy đều không được khắc phục. Cứ nghĩ trung tâm bảo hành chính hãng phải uy tín, song những lỗi tôi phản ánh lại không được chỉnh sửa hết. Chỉ tới khi tôi trao đổi lại, nhân viên mới sửa. Khi về nhà, 2 hôm đầu sạc được 100% song tới ngày thứ 4 tình trạng chập chờn về pin lại diễn ra. Cụ thể, sạc chỉ lên 6%, rút ra sạc lại chỉ lên được 10% rồi không lên nữa”.
Qua đây, chị H. tỏ ra bức xúc: “Từ nhà tôi tới trung tâm khá xa, lại mất gần 1 tuần mới được giải quyết. Trong khi đó, công việc của tôi rất bận, cần dùng máy nên không thể cứ để máy lại trung tâm. Đây là lần thứ 3 và tôi đã mất hết niềm tin, không hiểu mình có được thay pin mới thực sự hay không? Lần tới đây tôi sẽ yêu cầu trung tâm bảo hành FPT hoàn lại tiền chứ không chấp nhận bảo hành hay mua sản phẩm nào của FPT nữa”.
Khách hàng luôn yếu thế với hàng bảo hành?
Để làm rõ vấn đề, chiều 17/5 PV đã liên hệ với Tập đoàn FPT. “Chúng tôi đã nhận được thông tin và đang cho xác minh sự việc”, vị đại diện FPT cho biết.
Trao đổi với PV, một chuyên gia sản xuất điện thoại cho biết: Hiện nay, các hãng sản xuất điện thoại đều có 2 dòng sản phẩm, linh kiện: Mới hoàn toàn (Brand new) và tân trang (Refurbished). Theo đó, hàng tân trang là dạng hàng hóa vì lý do nào đó, lỗi sản xuất, bị khách hàng trả lại. Sau đó, nhà sản xuất sẽ kiểm tra, sửa chữa, đảm bảo chất lượng, đóng gói và bán lại ra thị trường. Hàng Refurbished thường có giá bán thấp hơn so với hàng mới 100%.
Tại Việt Nam, để phân biệt thiết bị Refurbished hay Brand new không dễ. Mặc dù có nhiều cách kiểm tra như vỏ hộp, số serial thiết bị trên trang chủ nhà sản xuất, ngày sản xuất, ngày xuất xưởng, tem nhà sản xuất… nhưng nếu khách hàng không phải “dân nhà nghề” khó tránh mua lầm.
“Khi đã qua bảo hành, khách hàng sẽ rất hiếm khi được giao lại sản phẩm mới 100% mà hầu hết sẽ nhận lại sản phẩm đã được tân trang thay thế thiết bị, vỏ, màn hình, linh kiện... Tuy nhiên rất khó chứng minh đó là hàng đã qua sử dụng bởi khi thu hồi, nhà sản xuất sẽ reset lại thông tin cơ sở dữ liệu coi như là sản phẩm mới nên khi kích hoạt (active), sẽ hiện lên thông tin mới tinh từ đầu”, vị chuyên gia bóc mẽ.
Theo vị chuyên gia, chất lượng dòng sản phẩm tân trang là “hên xui”, chỉ có thể bằng cảm quan để phát hiện vấn đề trên sản phẩm. Đặc biệt, đối với dòng sản phẩm này, khách hàng nên lưu ý về tổng thể, pin hay màn hình... có thể gặp vấn đề do quá trình sử dụng của chủ sử dụng trước. “Đối với sản phẩm điện thoại đã qua bảo hành, để đảm bảo quyền lợi, khách hàng chỉ có thể đặt vấn đề trao đổi trực tiếp với hãng để được đổi máy tốt hơn chứ không thể đưa ra điều kiện đổi máy mới. Bản chất hàng tân trang vẫn là linh kiện chính hãng, hiện cơ sở pháp lý cũng không đủ nên khách hàng nhiều khi phải chịu thiệt”, vị chuyên gia nhận định.
Theo Hoàng Ngân (Báo Giao Thông)