|
Bkav so sánh Bphone với iPhone 6 Plus |
Tuy nhiên, Bkav nói họ đã phải bỏ ra mất hơn 4 năm, từ năm 2010, để phát triển, chế tạo chiếc smartphone Việt Nam chứa hàng tá những thứ "nhất", "đầu tiên"... trên thế giới. Trong khi năm 2010 cũng là năm Apple giới thiệu iPhone 4, chiếc điện thoại mà đến nay vẫn được coi là đẹp và chuẩn mực nhất, vẻ đẹp được cả thế giới công nhận chứ không phải do Apple công bố. Và chỉ 4 năm sau, đã có 6 chiếc iPhone hoàn toàn mới, thay thế iPhone 4 ra đời.
Apple, Samsung, Sony… cũng thừa sức tạo ra những chiếc điện thoại tốt nhất thế giới về mọi mặt nhưng họ không làm vậy. Cứ 6 tháng, 1 năm họ lại cho ra đời một siêu phẩm mới, tuy ít khi có sự thay đổi đột biến so với những thế hệ trước nhưng vẫn đủ sức gây “thèm khát”. Đây có thể được coi là chiêu bài "hút máu" những tín đồ công nghệ và những người muốn thể hiện đẳng cấp của những công ty công nghệ hàng đầu. Họ làm được điều này sau khi đã dày công tạo ra được những giá trị bền vững.
Còn Bkav thì sao? Mặc dù nhà sản xuất smarphone non trẻ của Việt Nam đặt Bphone của họ lên bàn cân với iPhone 6 plus hay Samsung Glaxy S6 nhưng Bkav không thể so sánh với bất kỳ công ty nào kể trên. Vì vậy, có ai tự hỏi sau Bphone sẽ là gì nữa khi mà trong lĩnh vực công nghệ, chỉ cần vài tháng cũng có thể biến những thứ “không thể tin nổi” thành lạc hậu? Liệu có thể hy vọng Bkav sẽ tiếp tục cho ra mắt chiếc Bphone 2 đẹp nhất nhì… vũ trụ trong tương lai? Bkav có thực sự muốn theo đuổi ngành sản xuất smartphone hay chỉ dùng Bphone làm bàn đạp cho những mục đích kinh doanh khác? Và kế hoạch tiếp theo của Bkav sẽ là gì?
Những câu hỏi trên chắc sẽ sớm được trả lời, nhưng trước mắt, khi bạn quyết định bỏ ra ít nhất 11 triệu đồng để mua một chiếc điện thoại với tiêu chí ưu tiên dùng hàng Việt Nam được đặt lên hàng đầu, hãy đặt ngay Bphone.
Ủng hộ bằng tinh thần cũng tốt nhưng xin đừng lên án những người đang “soi mói" Bphone vì muốn tìm ra giá trị thực sự của sản phẩm, để tiêu tiền theo cách của họ. Theo một cách khác, họ cũng đang tạo ra động lực, giúp Bkav tiếp tục cho ra đời những chiếc Bphone tốt hơn nữa và kéo công ty này xuống “đi trên mặt đất” trong quá trình tìm đường đưa Việt Nam thoát khỏi vùng trũng công nghệ thế giới.