Theo các cửa hàng, tâm lý chờ đợi dịp Tết âm lịch của người dùng khiến sức bán các dòng smartphone giảm mạnh thời gian gần đây.
Motorola đánh dấu sự trở lại thị trường Việt Nam bằng hàng loạt smartphone mới. Ảnh: Lê Phát. |
Điều này hứa hẹn tạo ra cú hích mới cho thị trường nhưng trên thực tế, tình hình kinh doanh tại các cửa hàng thời điểm hiện tại chưa thoát cảnh ảm đạm. “Các cửa hàng hiện chủ yếu sống nhờ Apple và Samsung”, anh Huy - đại diện một hệ thống kinh doanh lớn tại Hà Nội cho biết. Anh này cho hay, chưa có dấu hiệu nào cho thấy những model mới về nước sẽ tạo ra cơn sốt trên thị trường. HTC One A9, Sony Xperia Z5 Premium hay BlackBerry Priv đều là những sản phẩm kén khách. Trong khi đó, Motorola mới quay lại thị trường, chưa có nhiều động thái khuếch trương thương hiệu cũng như sản phẩm.
“Doanh số smartphone giảm khoảng một nửa trong giai đoạn cuối tháng 11, đầu tháng 12”, anh Trung Trí - trưởng phòng marketing online của một hệ thống di động chia sẻ. Anh này cho biết, phía đơn vị kinh doanh đã tìm mọi cách nhưng không cứu được doanh số sản phẩm đi xuống.
Các cửa hàng nhận định, đây là giai đoạn trùng xuống của thị trường, chờ đợi sự bùng nổ mới cho dịp Tết âm lịch. Theo anh Huy, bản thân các hãng sản xuất khi tung ra sản phẩm dịp này cũng không kỳ vọng máy sẽ bán tốt ngay từ đầu. Họ cần thời gian để chạy quảng cáo, khuyến mại nhằm đúng vào dịp mua sắm cuối năm, thường là vào Tết âm lịch.
Trong khi đó, bản thân người dùng cũng “lười” mua sắm mạnh tay ở giai đoạn này, một phần vì muốn chờ các màn giảm giá, khuyến mại thường diễn ra vào cuối năm âm lịch, phần khác do vấn đề tài chính.
Ở nhóm điện thoại cao cấp, iPhone 6S và Galaxy Note 5 vẫn là những model có sức bán khá nhất. Ở nhóm tầm trung, các sản phẩm của Sony như Xperia M5, C5 Ultra cũng được nhiều người chú ý. Với nhóm điện thoại xách tay, người dùng thời gian gần đây dành sự quan tâm cho một số máy Android cao cấp qua sử dụng như HTC One M9, LG G4, Xperia Z3 với giá bán khoảng 6-7 triệu đồng, bên cạnh các mẫu iPhone đời cũ.