Bà Phan Lan Tú, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết, tính đến hết tháng 6/2016, trên địa bàn thành phố có 133 cửa hàng trực tiếp của doanh nghiệp, 2.439 điểm đăng ký thông tin thuê bao di động được ủy quyền và 190 đại lý phân phối sim thuê bao. Đánh giá về việc quản lý sim di động trên địa bàn, bà Tú cho rằng, Hà Nội đã có những bước tiến đáng kể. Trong giai đoạn 2010 - 2013, toàn địa bàn Hà Nội có 17 triệu thuê bao, nhưng đến nay chỉ còn khoảng 12 triệu thuê bao.
Tuy nhiên, thực tế, công tác quản lý thuê bao trả trước trong thời gian qua không đạt được kết quả như mong muốn, có rất nhiều sim di động được kích hoạt sẵn dù pháp luật đã nghiêm cấm. Nhằm tăng cường bảo vệ bí mật thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ, ngăn chặn việc mua bán, lưu thông sim di động sai quy định, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra việc quản lý thuê bao di động trả trước trên địa bàn thành phố.
Theo số liệu thống kê của các Phòng văn hóa thông tin quận, huyện, thị xã, từ năm 2010 đến nay, có hơn 15.000 số điện thoại quảng cáo rao vặt sai quy định.
Ông Nguyễn Văn Minh, Chánh thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra tại Chi nhánh các doanh nghiệp viễn thông di động, cửa hàng, đại lý, điểm bán sim trên địa bàn thành phố.
Ngoài ra, UBND các quận, huyện, thị xã cũng sẽ thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành gồm công an, quản lý thị trường, phòng văn hóa thông tin) để kiểm tra sim rác trên địa bàn. Nội dung kiểm tra các cửa hàng, đại lý, điểm bán sim thẻ gồm điều kiện pháp lý như đăng ký kinh doanh, việc ký kết hợp đồng ủy quyền đăng ký thông tin, kiểm tra điều kiện của điểm đăng ký, việc bày bán, kinh doanh sim thuê bao di động trả trước đã được kích hoạt tại cửa hàng.
Việc thanh tra sẽ diễn ra trong vòng hơn một tháng, từ 29/11/2016 đến 31/12/2016. Quá trình thanh tra, các doanh nghiệp viễn thông, đại lý sim thẻ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính. Trường hợp đại lý chấp nhận giấy tờ không phải chứng minh thư nhân dân đăng ký thông tin thuê bao sẽ bị phạt từ 2-5 triệu đồng, việc bán sim đã kích hoạt sẵn, đăng ký thông tin thuê bao của người khác có thể phạt từ 10-20 triệu đồng.
Việc không thực hiện đúng quy trình tiếp nhận thông tin có thể phạt từ 5-10 triệu đồng trong khi hành vi mua bán, lưu thông, sử dụng sim đa năng, thiết bị có chức năng kích hoạt sim thuê bao không cần bẻ sim có thể phạt từ 10-20 triệu đồng. Theo ông Nguyễn Văn Minh, mức phạt này áp dụng cho các tổ chức, với cá nhân, mức xử phạt bằng 50% mức xử phạt trên.
Ông Đỗ Hữu Trí, Phó Chánh thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá, Hà Nội chiếm thị phần lớn về thuê bao nên việc Hà Nội triển khai nghiêm túc có ý nghĩa lớn đối với việc thu hồi, xử lý sim rác trên cả nước.
Cũng trong sáng nay (29/11), 5 nhà mạng gồm Viettel, Vinaphone, Mobifone, Gtel và Vietnamobile tại Hà Nội đã ký cam kết với Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội về việc kiểm tra, thu hồi và xử lý các sim kích hoạt sẵn của các nhà mạng, hoàn thành trước 30/12/2016.
Theo Cục An toàn thông tin (Bộ TT và TT), trong sáu tháng đầu năm 2016, đã chặn 252 triệu tin nhắn rác, khóa hơn 2 triệu thuê bao. Như vậy, lượng tin nhắn rác bị chặn đã tăng gần 300 lần (từ 0,96 triệu tin lên tới 25 triệu tin), số thuê bao bị khóa tăng hai lần (từ 1 triệu lên 2 triệu). Sau khi Luật An toàn thông tin mạng có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, ngay tháng đầu, Bộ TT và TT đã xử phạt 10 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung số vì hành vi phát tán tin nhắn “rác”, với số tiền 735 triệu đồng.
Theo Châu Như Quỳnh (Dân Trí)