Trong cuộc họp, các kỹ sư cao cấp của Apple đã nhấn mạnh, không có hệ thống bảo mật nào là an toàn tuyệt đối 100%.
Cuối tuần trước, Apple đã tổ chức một cuộc họp bất thường với các kỹ sư trong công ty để bàn về việc bảo mật iPhone và iOS. Apple khẳng định, cuộc họp nhằm bảo vệ người dùng trước các hacker chứ không phải để tìm giải pháp bảo vệ người dùng trước Chính phủ Mỹ.
Không có hệ thống bảo mật nào là an toàn tuyệt đối.
Theo các kỹ sư cao cấp của Apple, hệ thống của Apple là cực kỳ bảo mật trong 2 thập kỷ qua, nhưng giờ đây đang trở nên đáng lo ngại. Trong đó, iPhone là thiết bị được người dùng tin tưởng để lưu trữ nhiều thông tin riêng tư quan trọng. Và Apple tự nhận thấy họ phải có hành động cấp bách để bảo vệ người dùng trước những hacker đang tìm cách phá vỡ hệ thống bảo mật này.
Mô phỏng lớp bảo mật bằng mã khóa màn hình passcode trên iPhone.
Kỹ sư Apple cũng khẳng định, không có hệ thống an ninh nào là an toàn tuyệt đối 100%. Riêng với Apple, công ty đang cố gắng để hệ thống an toàn nhất có thể. Với các thiết bị của Apple, hãng này kiểm soát từ phần cứng tới phần mềm nên hứa hẹn mang tới khả năng bảo mật tốt hơn.
Trong cuộc họp, kỹ sư của Apple cũng tiết lộ về kỹ thuật bảo mật của iPhone. Cụ thể, ngay khi khởi động, thiết bị sẽ đọc dữ liệu từ Boot ROM (bộ nhớ chỉ cho phép đọc) đầu tiên. Đây là một thành phần gắn liền với mã khóa công khai Apple Root CA, giúp xác định chữ ký ở thành phần Low-Level Bootloader. Do đó, nếu hacker cố tình thay đổi, làm sai khác thông tin mã khóa thì việc kích hoạt thiết bị sẽ thất bại.
Sau đó, quá trình khởi động sẽ tiếp tục tới bước iBoot và đọc dữ liệu hệ điều hành. Quá trình này nghe có vẻ đơn giản nhưng với kỹ thuật và khả năng kiểm soát sâu từ phần cứng tới phần mềm trên iPhone, chưa kể tính năng mã khóa màn hình passcode, iCloud,... trên iPhone cực "khó nhằn", Apple đã tạo ra những lá chắn mạnh mẽ cho iPhone cũng như iOS trước sự dòm ngó của hacker.
Theo Ngọc Phạm (Dân Việt)