"Alô phải có ảnh chân dung": Có nước còn lấy vân tay

19/06/2017 17:42:00

Bà Lê Thị Ngọc Mơ - phó cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, nói so với yêu cầu lấy vân tay của một số nước, thì chụp ảnh là 'tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân rất nhiều'.

Bà Lê Thị Ngọc Mơ - phó cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, nói so với yêu cầu lấy vân tay của một số nước, thì chụp ảnh là 'tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân rất nhiều'.

Theo quy định mới, các chủ thuê bao phải bổ sung ảnh chân dung nếu không muốn bị ngưng dịch vụ - Ảnh: HỮU THUẬN

Bà Lê Thị Ngọc Mơ trao đổi với chúng tôi về điểm mới của Nghị định 49/2017/NĐ-CP - yêu cầu bổ sung ảnh chụp người trực tiếp đến giao kết hợp đồng thuê bao.

Bà Mơ nói: "Theo cân nhắc của ban soạn thảo, so với yêu cầu lấy vân tay của một số nước, thì quy định này tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân rất nhiều, vì việc đầu tư thiết bị và quy trình lấy, lưu trữ dấu vân tay phức tạp hơn nhiều so với việc chụp ảnh".

Theo bà Mơ, từ góc độ doanh nghiệp, quy định này là hoàn toàn khả thi vì việc chụp ảnh rất dễ dàng, đơn giản và nhanh gọn, chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh, iPad, webcam, hoặc camera phù hợp.

Thông tin của 80 triệu số thuê bao di động là sai

* Vậy theo như bà nói, một số quốc gia cũng đã đặt ra những yêu cầu tương tự với các chủ thuê bao di động? Nhưng với điều kiện cụ thể của Việt Nam, việc bổ sung quy định này nhằm mục đích gì?

- Đúng vậy, trên thế giới, hầu hết các quốc gia đều rất coi trọng và có những quy định quản lý nghiêm ngặt công tác quản lý thông tin thuê bao. Những quốc gia đã phát triển như Mỹ, Đức, Nhật đã thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin cá nhân điện tử, và mỗi khi thực hiện đăng ký thông tin thuê bao, người dân cần xuất trình giấy tờ để doanh nghiệp đối chiếu, xác nhận trên hệ thống này.

Một số nước đang phát triển như Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan, Ả Rập Xê út, Bangladesh…, dưới sức ép của công cuộc chống khủng bố và bảo đảm an ninh quốc gia, gần đây còn yêu cầu triển khai hệ thống nhận diện vân tay của người đến đăng ký thông tin thuê bao.

Một số quốc gia như Nigeria ngoài áp dụng hệ thống nhận diện vân tay thì cũng yêu cầu chụp ảnh các cá nhân đến đăng ký SIM.

Việc ngoài thông tin về giấy tờ tùy thân vẫn cần thu thập các thông tin gắn liền với một người cụ thể như vân tay hoặc/và ảnh chụp như vậy là cần thiết để xác định một giao dịch là có thật. Bởi lẽ ảnh chụp giấy tờ tùy thân của thuê bao trong cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp có thể làm giả, có thể được (nhân viên giao dịch) lấy của người này gắn cho người khác, vô cùng khó kiểm soát.

Trong bối cảnh dịch vụ viễn thông di động đang có ảnh hưởng sâu như hiện nay thì việc có được một cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao đầy đủ và đúng quy định là vô cùng cần thiết để phục vụ công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội nói chung và bảo vệ quyền lợi người mỗi người dân nói riêng.

Ngoài ra, ở nước ta, dù đã có các quy định quản lý thông tin thuê bao rất chặt chẽ tại Luật Viễn thông (2006) và Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn Thông, nhưng đến đầu năm 2016 thì thông tin của hơn 80 triệu thuê bao di động trong tổng số gần 120 triệu thuê bao di động là sai.

Thông tin sai ở rất nhiều dạng khác nhau, từ tên tuổi, ngày tháng năm sinh hoặc số CMND, cho đến bản chụp CMT giả... Đặc biệt, rất nhiều CMT của người này được gán cho số điện thoại của người khác.

Giả sử nếu bỏ quản lý thông tin thuê bao thì xã hội sẽ ra sao? Chủ thuê bao sẽ thoải mái điện thoại, nhắn tin lừa đảo, đe dọa, khủng bố, quấy rối, phát tán thông tin độc hại. Thậm chí, nhiều người sẽ thoải mái tổ chức các hoạt động vi phạm pháp luật, tấn công đến an ninh quốc gia và sự ổn định của xã hội mà không có cách gì ngăn chặn, kiểm soát.

Bà Lê Thị Ngọc Mơ

Đang được xã hội dần chấp nhận

* Nhiều người cho rằng việc bổ sung ảnh chụp chỉ nên áp dụng với thuê báo mới hoặc với người không có thẻ căn cước, người có CMT đã cấp quá 10 năm, còn chủ thuê bao đang dùng khác thì không cần thiết. Ý kiến của bà và tinh thần chung của Nghị định ra sao?

- Nghị định 49/2017/NĐ-CP đã quy định yêu cầu bổ sung thêm ảnh chụp người trực tiếp đến giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.

Ảnh chụp người đến trực tiếp sẽ là bằng chứng xác thực nhất để bảo đảm đúng người, đúng thời gian thực hiện, tránh được tình trạng các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông cố tình sử dụng giấy tờ của một cá nhân để đăng ký thông tin thuê bao cho các SIM thuê bao khác (mà cá nhân đó không biết) trong khi doanh nghiệp chưa có đủ công cụ để phát hiện như đã xảy ra trong thời gian qua, đặc biệt là trong bối cảnh Nghị định này đã bỏ quy định về giới hạn số SIM thuê bao.

Doanh nghiệp sẽ có 12 tháng kể từ ngày Nghị định có hiệu lực để rà soát cơ sở dữ liệu của mình, thông báo cho các chủ thuê bao có thông tin sai với quy định tại Nghị định đến đăng ký lại (trong đó có việc chụp ảnh).

Đối với các thuê bao mà doanh nghiệp có sở cứ là thông tin đã chính xác (ví dụ thuê bao trả sau) thì không cần đăng ký lại thông tin nhưng phải bổ sung ảnh chụp và các thông tin cần thiết khác, và doanh nghiệp phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về điều đó.

* Nhưng nhiều người vẫn cho rằng đây là quy định gây phiền hà không cần thiết và nên có điều chỉnh hợp lý hơn?

- Từ góc độ người dân, đây là một quy định mới mà bước đầu một số người có thể phản ứng vì cho rằng có liên quan đến quyền riêng tư. Tuy nhiên trong thực tế, việc xuất trình CMT để làm thẻ và ảnh chụp để kiểm soát đã và đang được xã hội dần dần chấp nhận.

Ví dụ như câu lạc bộ Elite Fitness với hàng chục ngàn hội viên. Việc chụp ảnh hội viên chỉ liên quan đến an toàn an ninh của một phòng tập mà vẫn làm được, thì việc chụp ảnh người sử dụng dịch vụ viễn thông di động vì mục đích an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, bảo vệ người dân nếu cần thiết thì cũng phải làm.

Ngoài ra, khi Nghị định 49 với những quy định quản lý chặt chẽ và quy củ hơn trước được triển khai, cùng với việc kiểm soát tốt chính sách khuyến mại, đa phần người dân cũng chỉ mỗi người một SIM, và việc đăng ký một lần cho cả đời không phải việc nặng nề.

Số lượng thuê bao đăng ký lại chắc chắn không phải là 120 triệu, vì trong số đó rất nhiều người sử dụng nhiều SIM chỉ bởi tận dụng các chương trình khuyến mại. 

Tất cả chỉ là thói quen và nếu được truyền thông tốt thì người dân sẽ hợp tác.

Bà Lê Thị Ngọc Mơ

Theo N.Hà (Tuổi Trẻ)

Nổi bật