9 sản phẩm công nghệ đã "chết" trong 2015

04/01/2016 09:38:04

Cuộc sống ngày càng thay đổi và phát triển. Vì vậy các công nghệ đã lỗi thời hoặc không đáp ứng nhu cầu của người dùng đều phải nhường chỗ cho các công nghệ mới, tiên tiến hơn.

Cuộc sống ngày càng thay đổi và phát triển. Vì vậy các công nghệ đã lỗi thời hoặc không đáp ứng nhu cầu của người dùng đều phải nhường chỗ cho các công nghệ mới, tiên tiến hơn.

1. Sidecar (2012 - 2015)
 

Dịch vụ gọi xe taxi nhanh đã bị đóng cửa vào ngày 31/12/2015. Dù đã được bổ sung nhiều tính năng mới, nhưng Sidecar vẫn không thể cạnh tranh với các đối thủ khác như Uber hay Lyft. Người sáng lập Sidecar có gợi ý về sự trở lại, nhưng vẫn chưa rõ sự trở lại đó là gì.

2. Windows RT (2012 - 2015)
 

Windows RT được đánh giá tồi tệ hơn cả Windows 8. Đây được xem là một phiên bản rút gọn của Windows 8 với hiệu suất thấp hơn, dành riêng cho những chiếc tablet giá rẻ, không đủ cấu hình để chạy một phiên bản Windows đầy đủ.

Những chiếc tablet Windows RT hầu hết đều bị "kỳ thị" ngay sau khi ra mắt do vấn đề liên quan đến hiệu năng, ứng dụng ít cũng như khả năng tương thích kém. Microsoft đã ngừng phát triển Windows RT từ 2013. Và khi Surface 2 bị ngừng bán vào tháng 2 năm ngoái, Windows RT cũng đánh dấu ngày "từ trần" của mình. Sự hỗ trợ cho Windows RT sẽ kết thúc vào tháng 1/2018.

3. Internet Explorer (1995 - 2015)
 

Sau 20 năm tồn tại, Internet Explorer (IE) cuối cùng cũng phải nhường chỗ cho các đối thủ khác. Được phát triển để cạnh tranh với Netscape, IE từng chiếm đến 90% thị phần trình duyệt thế giới trong 1995, con số đó vẫn cón rất cao trong 2009 với 60%.

Sự tăng trưởng mạnh mẽ của Chrome cùng với các trình duyệt khác đã đẩy IE vào chỗ chết. Mặc dù vẫn còn tồn tại ở đâu đó trong Windows 10, nhưng IE thực sự đã bị thay thế bởi trình duyệt mới Edge hiện đại, nhẹ nhàng hơn, được phát triển hoàn toàn độc lập so với IE.

4. iPhone 5c (2013 - 2015)
 

Được ví là phiên bản vỏ nhựa của iPhone 5, iPhone 5c là chiếc iPhone thất bại nhất của Apple bởi mức giá khi bán ra quá cao nhưng phần cứng lại không có gì khác biệt so với iPhone 5. Thiết bị chính thức bị khai tử vào tháng 9 vừa qua khi Apple trình làng thế hệ iPhone 6s và iPhone 6s Plus mới nhất.

5. Amazon Fire Phone (2014 - 2015)
 

Chỉ mới "thôi nôi" được 1 năm, nhưng Fire Phone đã phải chịu số phận cay đắng. Sử dụng phiên bản Android tùy chỉnh, Fire Phone tích hợp chặt chẽ với các dịch vụ của Amazon. Nhưng cách sử dụng phức tạp, các tính năng được xem là độc đáo hoạt động không thực sự hiệu quả khiến Amazon phải giảm giá thiết bị chỉ vài tháng và "khai tử" nó chỉ sau 1 năm ra mắt.

6. RadioShack (1921 - 2015)
 

Tại Mỹ, nếu cần mua cáp điện thoại, máy nhắn tin hoặc điện trở vào thời điểm những năm 1980 thì RadioShack sẽ là địa điểm bạn cần đến.

Nhưng với sự tiến bộ của khoa học công nghệ, RadioShack đã nhiều lần gặp khó khăn vì "ế hàng". RadioShack bắt đầu suy thoái từ những năm 90, đổi tên thành The Shack vào 2014 nhưng cuối cùng tới 2015, RadioShack tuyên bố phá sản sau 94 năm tồn tại. Một nửa số cửa hàng của RadioShack bị bán cho Sprint, số còn lại bị đóng cửa.

7. Windows Media Center (2002 - 2015)
 

Sự phát triển của TV thông minh cùng set-top-box không phải nguyên nhân duy nhất khiến Windows Media Center bị "khai tử" sau 13 năm tồn tại.

Đã có thời gian máy tính từng được xem là một thiết bị giải trí đa phương tiện cho cả gia đình bằng những chiếc ổ cứng chứa sẵn phim, nhạc, ảnh... đặt ở phòng khách hoặc kết nối với TV để thưởng thức. Windows Media Center ra đời với ý tưởng trên, lần đầu được tích hợp vào phiên bản Windows XP Media Center Edition, biến Windows trở thành trung tâm giải trí cho cả nhà.

Tuy nhiên, vấn đề là không ai muốn xem TV ở bàn làm việc, cũng không ai muốn đặt chiếc máy tính của họ trong phòng khách. Đến 2009, Microsoft ngừng phát triển Windows Media Center, song nó vẫn tồn tại như là một phần tính năng bổ sung trên Windows 8. Khi lên Windows 10, cùng với sự phổ biến của tính năng truyền nội dung không dây (streaming), TV thông minh... Microsoft chính thức chấm dứt 13 năm tồn tại của Windows Media Center.

8. Amazon Wallet (2014 - 2015)
 

Đây là dịch vụ cho phép bạn lưu trữ và quản lý các loại thẻ quà tặng, thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ được sử dụng với Amazon. Nhưng dịch vụ này không thực sự phổ biến và cũng không nhiều nhà bán lẻ hỗ trợ nó. Đây là thất bại thứ 2 mà Amazon phải "thủ tiêu" trong 2015, nếu bây giờ bạn gõ Amazon Wallet lên Google thì kết quả nhận được sẽ là những chiếc ví được bán trên Amazon.

9. eBay Now (2012 - 2015)
 

Đây là dịch vụ giao hàng nhanh trong ngày của eBay cho một số nhà bán lẻ nhất định, với phụ phí 5 USD cho mỗi đơn hàng.

Tuy nhiên, eBay đã gặp rắc rối ngay khi dịch vụ này mới được triển khai, có thể đến từ kinh phí trang bị đội xe giao hàng. Kế hoạch mở rộng eBay Now đến 25 thành phố tại Mỹ trong 2014 đã phải huỷ bỏ và eBay Now chỉ hỗ trợ giao hàng tại 4 khu vực chính tại Mỹ trước khi bị đóng cửa vào năm ngoái.
 
Theo Phúc Thịnh (VnReview.vn)

Nổi bật